Đa dạng sinh học, nền tảng cho sự sống
Hội thảo tập trung nêu một số thành tựu nổi bật về kết quả bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm, việc thiết lập mạng lưới bảo tồn và cơ sở dữ liệu về nguồn gen, ngân hàng gen để phục vụ công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen tại Việt Nam. Đồng thời đưa ra hành động phát triển bền vững về sinh thái.
Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định: Đa dạng sinh học (ĐDSH) và các hệ sinh thái tự nhiên là nền tảng cho sự sống và phát triển của con người. Hơn hai thập kỷ qua, bảo tồn ĐDSH đã trở thành cam kết chung trên toàn cầu và của mỗi quốc gia thông qua các khung thỏa thuận quốc tế như Công ước về ĐDSH, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm, Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hay Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Việt Nam là một trong những quốc gia được công nhận có tính ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất thế giới với nhiều loài động thực vật đặc hữu và những tri thức truyền thống quý giá về nguồn gen được lưu truyền qua bao thế hệ…
Ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP cũng chia sẻ: Trong vài thập niên qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong bảo vệ và nuôi dưỡng ĐDSH. Là nước tham gia Công ước về ĐDSH, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách và hình thành khuôn khổ thể chế toàn diện cho bảo tồn ĐDSH và duy trì các môi trường sinh thái quan trọng… Tuy chưa được đánh giá đầy đủ song các hệ sinh thái có nhiều đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, và việc bảo tồn ĐDSH là điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững.
Bên cạnh vai trò và vị trí quan trọng được nêu ra tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng việc bảo tồn ĐDSH vẫn có những khó khăn tồn tại. “Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ĐDSH nhưng tài nguyên ĐDSH của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế” - Đại diện Tổng cục Môi trường cũng đưa ý kiến.
Về điều này, có thể thấy rõ qua các thống kê: Diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng, diện tích rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… Những thay đổi này đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH của quốc gia, cũng như gây ra những tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học là trách nhiệm của mọi người.
Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Để đưa ra giải pháp cho Việt Nam trong công cuộc bảo tồn ĐDSH, ông Bakhodir Burkhanov nói rằng: Thử thách đầu tiên nằm ở chính việc tìm hiểu giá trị của hệ thống sinh thái đối với phát triển kinh tế và kế sinh nhai. Lấy ví dụ các vùng đật ngập nước. Mặc dù có nhiều lợi ích và dịch vụ quý giá nhưng các vùng đất này phần lớn vẫn chưa được xếp loại và không được bảo vệ pháp lý đầy đủ.
Trong khi đó, đe dọa và áp lực lên ĐDSH và an ninh sinh thái tiếp tục tăng lên do quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, xung đột giữa con người và các loài hoang dã và biến đổi khí hậu. Các nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau để giành đất cho đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng càng tăng thêm những áp lực ấy, và tình hình này càng trầm trọng hơn vì xâm phạm trái phép các loài động, thực vật hoang dã cũng như do thu hoạch quá mức gỗ và các sản phẩm rừng khác của các địa phương.
Bên cạnh đó, ông Bakhodir Burkhanov cũng khẳng định: UNDP cam kết mang đến chuyên môn quốc tế liên quan nhằm giúp xây dựng năng lực thể chế và điều phối với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác để đạt được kết quả hiệu quả vì bền vững môi trường.
Cụ thể, trong tương lai gần, UNDP sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT rà soát chính sách, thể chế và chi tiêu để giúp Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện về tài chính bền vững cho đa dạng sinh học. Khi khuôn khổ quan trọng này có hiệu lực, chúng tôi hy vọng có thể khai thác được các nguồn lực hiện có cho bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả và mở ra nhiều nguồn tài chính mới ở Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Tổng cục Môi trường cũng phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP Việt Nam, GIZ và Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng Diễn đàn đối tác về bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái”. Hội thảo nhằm giới thiệu về ý tưởng thiết lập “Diễn đàn đối tác về bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái”, đồng thời chia sẻ những thông tin về nỗ lực của các bên trong hợp tác bảo tồn ĐDSH.