Hiện tại, năm 2024, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt 737.000 ha. Sản lượng tôm thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 372 nghìn tấn (trong đó sản lượng tôm nuôi ước 329 nghìn tấn. Không thuận lợi như những năm trước đây, người nuôi tôm Việt Nam năm 2024 đang đối diện 2 vấn đề lớn.
Một là, giá thành sản xuất quá cao, cao hơn các nước hàng đầu xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ, Thailand… từ 1 – 1, 5 USD, tôm Việt Nam, vì vậy mất dần vị thế. Vấn đề thứ hai, đó là dịch bệnh bùng phát như phân trắng, EHP, gan tuỵ…khiến các mô hình nuôi tôm thương phẩm không về đích như dự kiến, gặp nhiều sự cố trong quá trình nuôi.
Tỷ lệ nuôi tôm thành công thấp, cùng giá tôm thương phẩm thấp nhiều tháng qua, khiến người nuôi tôm điêu đứng. Nhiều bà con nuôi tôm chuyển hướng khác tìm kế sinh nhai, thực trạng này đang diễn ra, cần có những biện pháp cụ thể giúp bà con vượt qua khó khăn.
Vấn đề thứ nhất, Tép Bạc đã nhiều lần chia sẻ cùng quý bà con. Trong nội dung bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ về bệnh phân trắng ở nhiều góc nhìn, hy vọng bà con mình đánh giá về bệnh đa chiều hơn, từ đó chủ động phòng bệnh một cách hiệu quả.
Tác nhân gây nh bắt đầu từ mầm bệnh. Kết quả PCR (+) với tỷ lệ EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) trong gan 50-60% tôm sẽ bắt đầu nhiễm phân trắng sau 30- 44 ngày nuôi. Kết quả PCR (+) với tỷ lệ EHP trong gan 80-90% thì tôm sẽ bị nhiễm phân trắng sau 14 - 20 ngày nuôi. Mầm bệnh gây ra phân trắng bao gồm Vi khuẩn (Vibrio, Shewanella), Ký sinh trùng (Gregarine), Vi bào tử trùng EHP (96,4%), tảo độc (tảo mắt, tảo giáp), thức ăn kém chất lượng độc tố nấm mốc (Mycotoxin, Aflatoxin B1).
Nguyên nhân gây bệnh bao gồm môi trường bên ngoài và trong ao nuôi. Bên ngoài ao nuôi, ao chứa lắng nhiều loài 2 mảnh vỏ, rong, tảo, phù sa. Hệ thống ao xử lý nhiều mùn bã hữu cơ, lâu ngày không vệ sinh, chà rửa, nạo vét. Ao sẵn sàng nhiều xác tảo, phèn, phù sa. Rất ít bà con nuôi tôm, quan tâm, tập trung xử lý vấn đề này. Bên trong ao nuôi, mật độ tảo dày, nhớt đáy, oxy chưa đủ cung cấp, thức ăn không định lượng chính xác theo nhu cầu phát triển của tôm, gây dư thừa, phân huỷ hữu cơ, phát sinh khí độc.
Tảo là một trong nguyên nhân có thể làm tôm có phân trắng
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân gây bệnh do bà con nuôi tôm với mật độ cao. Thời gian xuất hiện bệnh thường giai đoạn tôm nuôi 40 - 90 ngày tuổi (tôm Thẻ chân trắng). Giai đoạn tôm nuôi 60 ngày tuổi đến thu hoạch (tôm sú). Khi thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài, mưa dầm. Mật độ nuôi dày ≥ 150 con/m2, thường là nuôi công nghệ cao, khi môi trường ô nhiễm, tảo dày, ao nhiều vật chủ trung gian…bệnh xuất hiện, mau bùng phát.
Về ảnh hưởng, khị nhiễm phân trắng, tôm có gan-tuỵ bị teo, ruột có dịch màu trắng hay vàng. Tôm bị ốp thịt, mềm vỏ, lột xác dính vỏ, lột xác kéo dài, lâu cứng vỏ. Đường ruột có những chấm màu trắng, vàng nhạt, vàng nâu, gan-tụy teo nhỏ, gan chai cứng. Tôm bị lỏng ruột, nhiều dịch nhớt. Tôm giảm hay bỏ ăn (đến 80%), thân, mang chuyển đen hoặc nâu. Thức ăn không đầy đường ruột, ruột đứt đoạn, trống ruột, lỏng ruột, bóp nhẹ than tôm phân di chuyển lên xuống. Phân tôm thường dính hậu môn, phân có màu trắng, vàng nhạt, phân nhão, lỏng, dễ nát, dễ rã, mùi hôi tanh. Tôm bệnh sẽ teo cơ, tấp mé, búng nhảy, chết, rớt đáy ngày càng nhiều. Tôm yếu nổi lên mặt ao, bơi lờ đờ, dạt bờ, kéo đàn bơi lòng vòng dọc bờ, ngang bờ ao, hay búng nhảy. Xuất hiện điểm đỏ gốc râu, phần đầu ngực, thân, phần phụ giáp xác khi nhiễm Vibrio. Tôm bị nhiễm ký sinh trùng Gregarine thường có đường ruột ziczac, đốt cuối có dấu hiệu sưng to, màu đục hạt gạo. Màu phân vàng hay trắng, gan teo hoặc nhũn, nhạt màu. Tôm ăn yếu, sinh trưởng chậm, phân đàn, FCR cao.
Đối với tôm, Vibrio spp gây bệnh phát sáng, đỏ dọc thân, ăn mòn vỏ kitin. V. parahaemolyticus gây bệnh phát sáng ở ấu trùng tôm sú. V. alginolyticus gây bệnh đỏ dọc thân ấu trùng tôm sú. V. parahaemolyticus, V. harvey, V. vulnificus, V. anguillarum... gây bệnh đỏ thân ở tôm thẻ nuôi thịt, hay bệnh ăn mòn vỏ ở giáp xác, đốm đen, gan tuỵ, phân trắng ...Tôm ăn yếu, giảm hấp thu dinh dưỡng, tôm chậm sinh trưởng, tỷ lệ sống thấp. Ký sinh trùng Gregarine sinh đầy trong ruột, làm tổn thương các biểu mô thành ruột, hư hại và làm thay đổi các cấu trúc cấu tạo bên trong. Tôm không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng từ thức ăn, cạnh tranh giữa các lợi khuẩn trong đường ruột tôm thất thế so với ký sinh trùng, Vibrio.
Kết hợp cùng các tác nhân cơ hội cộng gộp, tấn công liên tiếp dẫn đến ruột tôm hư hại. Tôm tiết dịch tiêu hoá kém, dẫn đến sự lên men thức ăn trong quá trình tiêu hoá, chuyển thối, dẫn đến phân trắng, hoại tử gan tuỵ. Kết hợp với điều kiện thuận lợi, vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio cơ hội tấn công, làm cho gan tuỵ sưng, giảm khả năng tiết dịch tiêu hoá, gây teo hoặc nhũn gan tuỵ. Khi ruột hư hại, dẫn tới quá trình lên men thối, gan nhạt màu. Gan mất chức năng tiêu hoá, hấp thụ, dự trữ dinh dưỡng cũng như khả năng miễn dịch giảm. Dịch trong ruột có màu trắng, vàng nâu, dần chuyển sang giai đoạn phân trắng.
Việc phòng bệnh thường giảm thiểu nhiều rủi ro, chi phí phòng bệnh thấp, khi có bệnh xảy ra, xử lý ít tốn kém, hiệu quả cao. Việc chỉ chú trọng điều trị bệnh thường mang lại kết quả không mong muốn, do sức khoẻ tôm đã giảm, kết hợp môi trường nhiễm khuẩn, ký sinh trùng với số lượng cao, thông số môi trường gây bất lợi. Điều trị kéo dài, tốn kém chi phí, bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Công đoạn xử lý nước, bà con dùng EDTA 10 pp sục khí 24 giờ, thuốc tím KMnO4 5ppm kết hợp PAC [Al2(OH)nCl6-n]m 20ppm lắng tụ tạp chất trong nước. Dùng Chlorine 20 – 30ppm hoặc TCCA 10 – 15ppm.
Trong quá trình nuôi, chủ động si phong, thay nước, điều tiết các thông số môi trường, hạn chế tối đa khí độc phát sinh. Định kỳ chà rửa đáy ao nuôi, bạt bờ. Áp dụng kỹ thuật nuôi tôm nhiều giai đoạn, san, chuyển, tôm nuôi sang môi trường mới liên tục, kích thích tôm phát triển, hạn chế khí độc phát sinh. Chỉ cho tôm ăn 80% so nhu cầu thực tế, định lượng chính xác lượng ăn hàng ngày, tránh cho ăn dư thừa. Khống chế tảo trong ao, màu nước trong 30 – 40 cm, hạn chế tảo phát triển mất kiểm soát. Chủ động điều chỉnh pH trong ao nuôi 8.0 – ≤ 8.2, độ kiềm ≥ 100 – 200. Bổ sung các chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Inositol, Beta glucan; Các chất hỗ trợ đường ruột như Berberin, Carbomango, Enzyme, Acid hữu cơ, vi sinh có lợi nhóm Bacillus subtilis, Lactobacillus…;
Kiểm khuẩn là việc cần thiết khi tôm có triệu chứng phân trắng xuất hiện. Ảnh: Tép Bạc
Các chất tăng cường sức khoẻ như Premix, vitamin C, siro trẻ em Becomplex… Định kỳ diệt khuẩn, sổ ký sinh trùng bằng Praziquantel, Adbendazole, Ivermectin, Fenbendazole. Khi bà con quyết định sổ EHP, cần lưu ý chọn những ngày thời tiết có nắng, sáng trời. Môi trường ao nuôi ít khí độc, ít chất hữu cơ, ít ô nhiễm. Chỉ số EHP những bầy tôm đã nuôi từ 1 tháng tuổi trở lên, tôm khoẻ mạnh, ăn mạnh, đã lột xác cứng vỏ. Tuỳ sức khoẻ tôm, trọng lượng tôm, môi trường, thời tiết, chọn loại thuốc sổ phù hợp, liều lượng sử dụng hợp lý, luôn tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thuốc. Bà con sổ EHP 2 liều, trong 2 ngày kế tiếp nhau. Chọn thời điểm 9 – 10 giờ sáng, tiến hành sổ EHP lần thứ nhất. Ngày hôm sau, cùng thời gian trên, tiếp tục thực hiện sổ EHP lần thứ hai. Dùng Chloramine B C6H5SO2NClNa để diệt EHP sau khi sổ ra ngoài môi trường, do tính hiệu quả diệt ký sinh trùng rất cao và tính an toàn của hoá chất này đối với tôm.
EHP hiện nay là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phân trắng, đường ruột. Ngoài việc làm tôm chậm lớn, FCR cao, tôm phân đàn…Khi nhiễm EHP nặng, tôm chắc chắn sẽ bị phân trắng, nhiễm trùng đường ruột, làm tôm ốp thân, vỏ thô ráp, bỏ ăn, chết với tỷ lệ tăng dần, gây thiệt hại nặng nề cho các mô hình nuôi. Bà con cần chủ động sổ và diệt EHP ở giai đoạn khi tôm mới nhiễm EHP, hiệu quả điều trị sẽ cao, giảm mức độ thiệt hại do phân trắng gây ra.