Tín hiệu vui đầu tiên là ngư trường từ tỉnh ta đến đảo Phú Quý (Bình Thuận) và các ngư trường từ Côn Đảo (Vũng Tàu) đến Phú Quốc (Kiên Giang) liên tục xuất hiện các loại cá nổi (cá cơm, cá nục, cá trác, mực…) với trữ lượng lớn. Vào những ngày sau giữa tháng 2 có khoảng 70% tàu cá trong toàn tỉnh tham gia hoạt động khai thác hải sản. Phần lớn tàu cá tham gia khai thác với thời gian chuyến biển dài ngày, ngư trường đánh bắt chủ yếu trên các vùng biển từ tỉnh ta đến các tỉnh nói trên. Ước tính, hiện có khoảng 500 tàu thuyền hành nghề pha xúc của xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) khai thác đạt hiệu quả cao. Theo anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng Phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) ở các địa phương trên trong tháng 2, tàu cá của các ông Phan Văn Phụng, Phan Văn Khái, Nguyễn Văn Bộ, Nguyễn Văn Tiến… khai thác đạt trung bình từ 5 đến 7 tấn/tàu/đêm, thậm chí có nhiều chuyến còn khai thác được khoảng 18 tấn/tàu. Ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) có tàu cá của bà Lê Thị Bé Bông, Lê Thị Phương cũng khai thác doanh thu đạt 1 tỷ đồng/chuyến biển.
Nhờ thời tiết thuận lợi, các đàn cá nổi liên tục xuất hiện nên tính đến ngày 5-3, toàn tỉnh khai thác hải sản đạt sản lượng 11.235 tấn (đạt 10,66 % kế hoạch năm và vượt 8,21% so với cùng kỳ năm trước). Dù hiện tại đàn cá nổi ít xuất hiện, tình hình đánh bắt có vẻ chững lại nhưng ước tính đến cuối tháng 3, sản lượng khai thác hải sản quý I được 25.785 tấn, đạt 24,46% kế hoạch năm và vượt 6,13% so với cùng kỳ năm trước. Vụ cá bấc hằng năm được xác định luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên sản lượng khai thác hải sản đạt cao nói trên đã tạo được hưng phấn cho ngư dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các nghề khai thác đạt hiệu quả chỉ là pha xúc, vây rút chì, lưới cước, trong đó nghề pha xúc đánh bắt cá cơm chiếm đa số sẽ thấy tỷ lệ tàu thuyền vươn khơi, khai thác nghề cá lưới đáy chưa nhiều. Anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Cơ cấu thuyền nghề tỉnh ta chủ yếu là các nghề chuyên khai thác cá nổi nên giá trị kinh tế hải sản đánh bắt chưa cao. Vì vậy toàn ngành Thuỷ sản cần phải tạo ra bước đột phá mới trong khai thác hải sản để tăng đóng góp vào GRDP tỉnh nhà, trọng tâm là tăng năng lực đánh bắt xa bờ và tăng sản lượng hải sản có giá trị kinh tế cao.
Ngư dân huyện Thuận Nam đầu tư tàu công suất lớn và trang thiết bị hiện đại. Ảnh Văn Nỷ
Sở dĩ sản lượng khai thác hải sản 2 tháng đầu năm đạt cao, ngoài yếu tố ngư trường thuận lợi, không thể không kể tới các yếu tố khác như phát triển tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại của ngư dân. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.771 tàu cá, với tổng công suất 345.129 CV, nếu so với cùng kỳ năm 2017, năng lực đánh bắt toàn tỉnh đã tăng thêm 24 tàu cá, với tổng công suất tăng thêm 47.668 CV, riêng tàu cá từ 700 CV trở lên đã có 38 chiếc. Nguyên nhân tăng là nhờ sự tác động mạnh mẽ của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Cụ thể qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh ta đã có 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng dự toán gần 500 tỷ đồng (bao gồm 41 dự án đóng mới và 2 dự án nâng cấp), trong đó có 37 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 4 dự án đóng mới đang trong giai đoạn thi công. Hiệu quả của “tàu 67” được chứng minh, đơn cử 2 tàu cá của các bà Lê Thị Bé Bông, Lê Thị Phương vừa kể trên đều là tàu vay vốn theo Nghị định số 67 vừa hoàn thành đưa vào hoạt động.
Cùng với việc tăng năng lực tàu cá, yếu tố chuyển dịch cơ cấu tàu cá đánh bắt xa bờ cũng đang có sự chuyển biến mới. Nếu năm 2016, nghề cá tỉnh ta chỉ có 159 chiếc hoạt động xa bờ (trong đó có 139 tàu khai thác, 20 tàu dịch vụ), thì hiện đã có 452 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động trên các vùng biển xa (trong đó có 419 tàu khai thác hải sản, 33 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Theo ghi nhận của chúng tôi, trong tháng cuối vụ Bấc, ngư dân tỉnh ta vẫn đang tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường khai thác ở tuyến khơi; đặc biệt là áp dụng một số công nghệ khai thác tiên tiến, tiếp cận và tổ chức đánh bắt phù hợp. Với hướng đi mới đầy triển vọng, tin rằng từ sự nỗ lực rất lớn của ngành Thủy sản sẽ tạo tiền đề và động lực quan trọng cho ngư dân tỉnh ta chuẩn bị bước vào vụ cá Nam, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu khai thác 105.400 tấn hải sản các loại trong năm 2018.