Cá tra được giá, người nuôi có lãi
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2022, việc sản xuất, kinh doanh cá tra khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khá thành công nhờ giá cá duy trì ở mức cao. Nếu như những tháng cuối năm 2021, giá cá tra thương phẩm chỉ 25.000-26.000 đồng/kg thì từ đầu năm 2022 trở đi, giá tăng vọt lên 29.500-30.000 đồng/kg, có lúc lên 32.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - cho hay: “Sau mấy năm thua lỗ, từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết hộ nuôi cá tra đều có lợi nhuận, yên tâm để đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi”.
Là một trong những hộ nuôi cá lâu năm ở huyện Châu Thành, ông Nguyễn Hữu Trí - thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành - phấn khởi: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi bán được 2 đợt, gần 900 tấn cá tra với giá bình quân 30.000-31.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lời 3.000-4.000 đồng/kg”.
Ông Nguyễn Trạng Sư - người có hơn 30 năm nuôi cá tra ở TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết, trong năm 2022, cơ sở nuôi cá của gia đình ông đã cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu khoảng 3.000 tấn cá nguyên liệu với giá tương đối tốt. Nhờ đó, ông duy trì được nghề và chăm lo tốt cho nhân công trại cá.
Nuôi cá tra ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Tính kể, ông vừa xuất bán 2 ao, được gần 1.000 tấn cá tra, mức lãi ròng khoảng 3.000 đồng/kg. Dù nghề nuôi cá tra chưa hồi phục hoàn toàn sau mấy năm đại dịch, nhưng về cơ bản, các hộ nuôi cá đã dễ thở hơn, yên tâm hơn.
Giá cá tra trong nước duy trì mức giá cao là nhờ các doanh nghiệp nỗ lực tiếp thị, quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2021, doanh thu từ xuất khẩu cá tra trên cả nước đạt khoảng 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2000 nên ngành chức năng đặt ra mục tiêu xuất khẩu hơn 1,6 tỉ USD trong năm 2022. Thế nhưng, kết quả xuất khẩu năm nay dự báo vượt xa so với kế hoạch đề ra. Các thị trường chính tiêu thụ cá tra nước ta là Trung Quốc (chiếm gần 30%), Mỹ (gần 23%), các nước thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hơn 13%, EU 8,2%, Brazil 3,7%.
Thay đổi để phát triển bền vững
Cá tra là sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước Cửu Long. Đến nay, sản phẩm cá tra đã xuất khẩu sang khoảng 138 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về hàng tỉ USD mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người.
Đóng gói cá tra để đưa đi xuất khẩu. Ảnh: phunuonline.com.vn
Xác định cá tra là sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế nên Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực hỗ trợ để hoàn thiện quy trình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu. Chính quyền các địa phương cũng quy hoạch vùng nuôi, thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm rủi ro, giảm giá thành sản xuất; nuôi cá có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có khoảng 350 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.119ha được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA - cho rằng, ngành cá tra đang dần hoạt động bài bản hơn. Cụ thể, tình trạng nuôi tự phát, nhỏ lẻ dần chấm dứt; thay vào đó, có khoảng 90% sản lượng cá nguyên liệu được các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư nuôi theo hình thức tự nuôi hoặc liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có bản hướng dẫn về vùng nuôi theo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường, nguồn nước; khuyến cáo các doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến để nâng giá trị gia tăng, thâm nhập các thị trường khó tính để tăng giá trị xuất khẩu.