Còn khoảng 600 tấn cá khô bị tồn đọng
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, hiện nay huyện có 171 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, hoạt động ở các ngư trường dồi dào tiềm năng. Hằng năm, địa phương có sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 15.000 tấn, chiếm 60% tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều năm trở lại đây, nghề hấp sấy cá mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt với hàng chục lò hấp sấy cá mọc lên, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. “Tuy nhiên, từ ngày 1/5/2019 phía Hải quan Trung Quốc siết chặt thương mại thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch. Dẫn đến các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng cá khô các loại trên địa bàn tỉnh bị bất ngờ, thụ động vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh toàn thực phẩm, dẫn đến tồn kho”, ông Quảng nói.
Theo thống kê, từ những ngày đầu tháng 5 đến cuối tháng 7/2019, có 1.100 tấn thủy sản khô đông lạnh thuộc 19 kho hàng của tư thương xã Gio Việt (700 tấn) và thị trấn Cửa Việt (400 tấn) bị tồn kho vì thiếu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Nhiều tiểu thương ở đây cho biết, số cá này được thu mua trực tiếp từ ngư dân địa phương và việc hấp, phơi, đóng gói cá khô đều thủ công, không có nhãn mác, không được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, do vậy khi đối tác đòi hỏi giấy kiểm định về an toàn thực phẩm thì không có nên hàng hóa không nhập khẩu được. Nhiều chủ lò hấp sấy cá cho hay, giá cá nục khô giảm mạnh từ 15.000 - 16.000 đồng/kg xuống còn 7.000- 8.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều tàu thuyền phải nghỉ đi biển hàng tháng trời vì giá cá bán thấp không đủ chi phí nhiên liệu.
Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng chia sẻ với chúng tôi rằng, địa phương đã đứng ra kết nối với một số cơ sở thu mua thủy sản ở Đà Nẵng và Quảng Nam để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Vừa qua, địa phương đã xuất bán được khoảng 500 tấn cá khô và đang tiếp tục đàm phán để xuất bán thêm 600 tấn cá còn tồn kho trong thời gian tới.
Đâu là nguyên nhân?
Theo nhiều tư thương và đại diện chính quyền các địa phương cũng như các ban, ngành chức năng, nguyên nhân khiến hơn 1.000 tấn cá khô hấp sấy bị tồn kho là do phía Trung Quốc thắt chặt hàng rào kĩ thuật, siết chặt thương mại thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch… Tuy nhiên, nếu nhìn khách quan và sâu xa hơn thì nguyên nhân chính không hẳn là từ phía đối tác Trung Quốc.
Trước tiên, có thể thấy từ trước tới nay, người dân chế biến thủy sản vẫn theo cách làm thủ công hoàn toàn, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở hấp sấy cá thi nhau mọc tự phát theo mô hình hộ gia đình, không được quản lí bài bản, không thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để có cơ sở pháp lí. Việc hợp đồng mua bán với đối tác người Trung Quốc cũng thường diễn ra bằng miệng chứ không có hợp đồng văn bản và thường lựa chọn những thị trường dễ tính.
Tiếp đến, hầu hết ngư dân đánh bắt cá trên biển không ghi nhật kí khai thác hoặc có ghi cũng qua loa, không đầy đủ theo quy định. Ở Cảng cá Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và Cảng cá Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh có Ban quản lí đảm trách việc xác nhận nguồn gốc thủy sản nhưng người dân ít quan tâm và thường không kê khai rõ ràng sản lượng đánh bắt nên không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt được.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chính quyền các địa phương và ban, ngành liên quan vẫn chưa thực sự rốt ráo quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc chế biến, xuất khẩu thủy sản mà vẫn để người dân chủ yếu “tự bơi”. Để đến khi cơ sự xảy ra thì “mất bò mới lo làm chuồng”!
Hướng đến chế biến, xuất khẩu thủy sản không “giải cứu”
Đi tìm giải pháp căn cơ và lâu dài để ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản hiệu quả và bền vững cho người dân huyện Gio Linh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Huân. Ông Huân đề xuất, giải pháp trước mắt là người dân cần tuân thủ nghiêm túc quy định ghi nhật kí khai thác và kê khai rõ ràng sản lượng đánh bắt thủy sản. Các cơ sở hấp sấy cá cần hợp tác với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp để hỗ trợ nhau chế biến, xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi hơn. Tiếp đó, cần phải đăng kí chất lượng sản phẩm với cơ quan chức năng. Về phía chính quyền địa phương cần tích cực, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản. “Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biển Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật để người dân được biết và hiểu rõ. Bên cạnh đó, sở cũng đang hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục truy xuất nguồn gốc thủy sản và sắp tới sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thực hiện, chấp hành Luật Thủy sản của người dân”, ông Huân nói.
Để thủy sản Gio Linh nói chung và Quảng Trị nói riêng xuất khẩu theo hướng bền vững, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân cho biết, trước mắt cần hoàn thiện thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho thủy sản đánh bắt, tiếp đến là kiểm định vệ sinh an toàn chất lượng thủy sản hấp sấy tại các lò hấp sấy cá. Sau đó nữa là tiến hành đăng kí nhãn hiệu tập thể với tên sản phẩm “Cá khô Cửa Việt”. Về lâu dài, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho cá khô hấp sấy ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt; đưa công nghệ vào chế biến thủy sản; hướng đến xây dựng làng nghề, cụm làng nghề chế biến thủy sản. Quy hoạch phát triển sản xuất bền vững, dài hơi, chế biến sâu, hướng đến các thị trường khó tính. “Hiện nay, sở đã hoàn thành mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc và hiện đang làm giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Cá khô Cửa Việt”. Khi có nhãn hiệu rồi, thủy sản xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn”, ông Lân cho biết thêm.
Mới đây, tại UBND xã Gio Việt, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Nguyễn Như Tiệp đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền địa phương, người dân xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt nhằm tìm giải pháp xuất khẩu đối với các mặt hàng cá khô bị tồn đọng. Cục trưởng Cục QLCLNLS&TS Nguyễn Như Tiệp cho hay, giải pháp trước mắt là cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cá khô trên địa bàn tỉnh với các cơ sở đã được cấp phép xuất khẩu đi Trung Quốc theo hướng gia công đảm bảo các tiêu chuẩn như có đăng kí để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho từng lô hàng; có đầy đủ bao bì, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định. Về lâu dài, các cơ sở này cần phải nâng cấp nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của phía Trung Quốc để được cấp phép bổ sung vào danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thiết nghĩ, đã đến lúc người dân và chính quyền các địa phương cần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, chế biến để thủy sản Gio Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Qua đó, nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, hướng đến nền chế biến, xuất khẩu thủy sản bền vững.