Hướng đến xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD
Năm 2019, ngành phấn đấu sản lượng nuôi cá tra đạt 1,51 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra trên 2,4 tỉ USD, tăng 12% so với năm trước. Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt mục tiêu, ngành cá tra cần chú ý phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, chủ động phòng ngừa dịch bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác, liên kết theo chuỗi để kiểm soát tốt cung cầu và tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, nâng cao chất lượng, giá trị và đa dạng sản phẩm cá tra xuất khẩu theo từng phân khúc thị trường gắn với xây dựng thương hiệu. Tập trung phát triển theo chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững; tiếp tục xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...
Năm 2018, ngành cá tra đạt được những kết quả rất ấn tượng. Diện tích nuôi cá thương phẩm đạt 5.400ha, tăng 3,25% so với năm trước với sản lượng đạt 1,42 triệu tấn. Trong đó, trên 3.834ha nuôi cá được chứng nhận GAP. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt mức cao kỷ lục: 2,26 tỉ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cả người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi cá tra thương phẩm, chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi do giá cá giống, giá cá nguyên liệu luôn giữ ở mức cao và giá cá xuất khẩu cũng rất tốt. Giá cá tra nguyên liệu trung bình năm 2018 là 29.800 đồng/kg, cao hơn mức giá trung bình năm 2017 khoảng 4.000 đồng/kg. Tháng 10-2018 là thời điểm giá cá nguyên liệu ở mức đỉnh điểm 35.000-36.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay.
Phòng tránh rủi ro
Năm nay, sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường trên thế giới. Đặc biệt, tại Hoa Kỳ, thuế chống bán phá giá giảm, Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của Chương trình giám sát cá da trơn- là những tín hiệu tốt để nhiều doanh nghiệp có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khả năng tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ khi tận dụng cơ hội cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tại thị trường trường EU, năm nay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến có hiệu lực, thuế xuất nhập khẩu giảm sẽ góp phần tăng cơ hội xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục mang đến kỳ vọng do là thị trường rộng lớn, có nhu cầu cao và thuế nhập khẩu cá tra tại thị trường này cũng được điều chỉnh giảm...
Tuy nhiên, ngành cá tra Việt Nam cũng được dự báo đối mặt với khó khăn do nhiều thị trường nhập khẩu tiếp tục gia tăng rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại. Bên cạnh đó, việc sản xuất, chế biến cá tra trong nước cũng đối mặt với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, chi phí nuôi cá tăng, thiếu hụt nguồn con giống đảm bảo chất lượng và nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Theo nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, giá cá ở mức cao, người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh nuôi trồng và chế biến nên có thể tái diễn tình trạng cung vượt cầu và cạnh tranh thiếu lành mạnh nếu không quản lý tốt quy hoạch vùng nuôi, chất lượng sản phẩm và liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, doanh nghiệp với các bên liên quan.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: "Ngành cá tra đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ các tín hiệu tốt từ thị trường, nhưng nếu bùng phát nuôi quá mức thì sẽ gặp khó. Chúng ta cần quản lý chặt các vùng nuôi theo quy hoạch, không để nuôi tự phát, dẫn đến nguy cơ thừa nguyên liệu, rớt giá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư con giống theo Đề án giống cá tra 3 cấp để nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện nay và kiểm soát chặt các nguồn giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi trồng. Phát triển đa dạng các sản phẩm cá tra xuất khẩu để giảm áp lực tiêu thụ cá phi lê và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho ngành hàng cá tra''. Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, sau thời gian khủng hoảng, từ năm 2017, giá cá tra phục hồi rất tốt, đặc biệt năm 2018 có thời điểm giá xuất khẩu cá tra phi lê sang Mỹ đạt mức kỷ lục 5,6 USD - 7 USD/kg. Năm nay, nhiều khả năng cá tra tiếp tục duy trì mức giá cao, có lợi cho cả người nuôi và xuất khẩu. Song, để phát triển bền vững, không nên mở rộng diện tích, sản lượng và nhà máy chế biến để tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Cần tập trung nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, chú ý phát triển thị trường Ấn Độ và phục hồi thị trường EU...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, không được chủ quan, mà phải hết sức cảnh giác trước các thách thức. Sau 3 năm tăng trưởng liên tục của cá tra, thì nguy cơ bùng nổ dịch bệnh trên cá tra là rất lớn, cần đề phòng ngay từ bây giờ. Mục tiêu ưu tiên của năm nay là củng cố thành quả một cách vững chắc. Cần có sự vào cuộc quyết liệt từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát chặt nuôi cá theo quy hoạch, không để xảy ra nuôi tự phát. Tập trung ứng dụng tốt những công nghệ mới nhất vào các công đoạn sản xuất kinh doanh, trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra, cần hết sức chú ý...