Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm ngoài số lượng trứng Artemia sản xuất trong nước thì vẫn phải nhập khẩu khoảng 160 tấn trứng Artemia để phục vụ sản xuất cho hơn 80 tỷ tôm giống nước lợ và đối tượng thủy sản khác.
Trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất giống tôm nước lợ, dùng để làm thức ăn cho tôm giúp nâng cao sức sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ sống và tính ổn định của ấu trùng.
Hiện nay, trứng Artemia đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét thẩm định phê duyệt việc áp mã số HS đối với sản phẩm trứng Artemia với mức thuế suất 0%.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc thay đổi mức thuế từ 5% xuống 0% đối với mặt hàng trứng Artemia sẽ làm giảm thu ngân sách 21 tỷ đồng. Điều này có sức ảnh hưởng không lớn so với ngành hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu hơn 6 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế này có tác động kinh tế rất tích cực như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%); thúc đẩy, gia tăng, củng cố chất lượng mặt hàng Artemia trong nước nhờ cạnh tranh giữa sản phẩm nhập khẩu; chất lượng, số lượng con giống dần nâng cao, ổn định góp phần giảm dịch bệnh, tạo tâm lý vững vàng, tin tưởng khi đầu tư tôm nuôi…
Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống nhỏ tiếp cận, chủ động nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu mà không cần qua trung gian là các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế, từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng con giống ổn định.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam về đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu trứng Artemia.
Bộ Tài chính dự kiến chi tiết thêm dòng thuế riêng cho mặt hàng trứng Artemia tại chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16-11-2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%.