Đã từ lâu, hình ảnh những ngôi nhà nổi, lớp học trên biển, cảnh sinh hoạt của ngư dân vùng Vịnh… luôn tạo được sức hấp dẫn riêng đối với du khách khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển du lịch hiện nay thì Hạ Long đang chịu những áp lực về môi trường là sự ô nhiễm và suy thoái tài nguyên. Theo số liệu thống kê, cuối năm 2012, trên Vịnh Hạ Long có 650 nhà bè, nhà nổi. Sự tồn tại của các nhà bè đã và đang là trở ngại đến nhiều mặt đời sống xã hội, như: Áp lực về gia tăng dân số ở các làng chài đang gây khó khăn cho việc kiểm soát ô nhiễm nước và bảo vệ đa dạng sinh học VHL; nhiều nhà bè nuôi trồng hải sản, giao dịch, kinh doanh nhà hàng, nên lượng tàu và khách ra vào khu vực nhiều đã tác động đến hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa, gây cản trở luồng tàu chạy trên biển, ô nhiễm môi trường nước; người dân, nhất là trẻ em khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục…
Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Thành ủy Hạ Long đã xây dựng Đề án di dời, xử lý nhà bè, làng chài trên Vịnh và sắp xếp ổn định dân cư.
Cũng theo Đề án di dời của thành phố Hạ Long, thì những hộ muốn tiếp tục theo nghề biển sẽ được tạo điều kiện; con em làng chài theo học tại các trường tiểu học, THCS, THPT trong thành phố được miễn học phí… Chủ trương của thành phố là có hai loại hình nhà bè trên Vịnh. Đó là bè nuôi trồng thuỷ sản nằm trong 6 điểm nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch. Và để tạo ra những sản phẩm du lịch, góp phần bảo tồn những giá trị của làng chài trên Vịnh phục vụ du lịch, thành phố sẽ phục dựng các làng chài. Tuy nhiên, những người làm công việc này chỉ ở làng chài ban ngày, còn tối phải trở về đất liền.
Có thể khẳng định, việc di dời nhà bè là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long và đem lại cuộc sống an cư, bền vững cho những người dân làng chài. Khi các bè trên Vịnh Hạ Long không còn nữa, chắc chắn đây sẽ là điều kiện, môi trường để Hạ Long phát triển bền vững và sạch đẹp hơn trong mắt du khách.