Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học từ các cục, viện, trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ ven biển miền trung đến Cà Mau cùng dự.
Theo Tổng cục Thủy sản, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm xuất hiện tại phía nam từ năm 2010 đến năm 2011 bùng phát thành dịch trên diện rộng, tổng diện tích thiệt hại hơn 97 nghìn ha. Năm 2012, dịch bệnh tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Theo thống kê, trong tổng diện tích thả nuôi hơn 622 nghìn ha, đã có hơn 38 nghìn ha bị thiệt hại. Trong đó, Trà Vinh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất gần 10 nghìn ha, và Cà Mau gần 9.000 ha. Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Trà Vinh đã tạm ổn, riêng Sóc Trăng, Bạc Liêu dịch bệnh có xu hướng đang gia tăng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cho Viện Nghiên cứu thủy sản II xác định nguyên nhân. Ðiều tra cho thấy việc dùng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin diệt giáp xác trong ao nuôi là phổ biến, Cypermethrin có liên quan hoại tử gan tụy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xác định chuẩn xác nguyên nhân gây hoại tử gan tụy trên tôm nước lợ. Vì các nghiên cứu chỉ mới tập trung nhiều vào tác nhân vô sinh, đặc biệt ảnh hưởng của Cypermethrin, trong khi vai trò của tác nhân hữu sinh vi khuẩn, vi-rút, tảo... chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho rằng, dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nước lợ đang diễn biến phức tạp và lan rộng, ảnh hưởng lớn sản xuất, đời sống của nông dân. Vì vậy cần phải sớm nghiên cứu, tìm ra giải pháp để giúp nông dân, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ ưu tiên số một, tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguyên nhân gây bệnh là hết sức quan trọng, hỗ trợ nông dân, bệnh gan tụy và các bệnh khác làm thiệt hại cho nông dân.