Trước đó, Đầm Nại rộng khoảng 1.200 ha, trong đó diện tích vùng triều chiếm 800 ha. Là một trong 12 đầm phá ven biển ở nước ta, mang đặc thù đầm nhiệt đới khô hạn. Đầm Nại là vùng nước tự nhiên nằm sâu trong đất liền, có cửa liên thông với biển qua lạch Ninh Chữ và nhận nước ngọt từ các kênh mương hệ thống thủy lợi chung quanh. Tuy nhiên, hơn chục năm trước, bất chấp những cảnh báo của ngành chức năng, người dân đã thay nhau chặt phá rừng ngập mặn, lấn chiếm hơn 400 ha đất khu vực Đầm Nại để làm đìa nuôi tôm công nghiệp đã khiến 300 ha rừng ngập mặn gồm cây mắm trắng và cây đân với hơn 147 loài thực vật và động vật nổi; 40 loài rong biển; 61 loài động vật đáy; 42 loài cá biển gần như bị tận diệt hoàn toàn. Đời sống của người dân chung quanh Đầm Nại ngày càng khó khăn, vì đã mất đi những gì mà thiên nhiên ban tặng.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Thị Diệu Tuyết cho biết, vào thời điểm từ năm 1996 đến 2000, khi Đầm Nại bị tàn phá, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng do lợi nhuận từ nuôi tôm mang lại quá cao, cho nên người dân bất chấp tất cả cảnh báo. Chính quyền tổ chức ngăn chặn ban ngày, thì họ lén lút đào đìa vào ban đêm. Và, Đầm Nại bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng… đã hủy diệt những gì đã từng hiện hữu ở Đầm Nại hàng trăm năm.
Hệ lụy để lại là những loài thủy sản đặc trưng, quý hiếm trong khu vực Đầm Nại, như cua, ghẹ, sò, ốc, lươn, chạch đỏ… bị tận diệt, đời sống của hàng trăm hộ dân mưu sinh hằng ngày nhờ khai thác thủy hải sản ở khu vực này ngày càng khó khăn, phải đi đến những vùng khác làm thuê để kiếm sống.
Kế đó là thất bại của những người đã từng lấn chiếm đất Đầm Nại để nuôi tôm bị vỡ mộng trở thành tỷ phú, vì môi trường bị ô nhiễm, dẫn đến thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất, hầu như 100% người nuôi tôm đã đi khỏi làng để trốn nợ.
Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình Ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của Trung ương; vốn ODA, UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án, thực hiện việc khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn; tái tạo nguồn lợi thủy hải sản khu vực Đầm Nại.
Sự tích cực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng sự đồng thuận của người dân đã và đang dần khôi phục lại diện mạo vốn có cho Đầm Nại. Anh Trần Cường, Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm Kiền Kiền – Bỉnh Nghĩa, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, bộc bạch: “Ban đầu, việc triển khai trồng lại rừng ngập mặn để tạo môi trường sinh thái gặp nhiều khó khăn, vì cây rừng đã bị hủy hoại, nên tìm giống thích hợp để trồng rất gian nan. Cùng với đó là người dân chưa thật sự đồng thuận, chúng tôi phải mất ba năm cử cán bộ thực hiện sách lược “năm cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng trồng, cùng bảo vệ và cùng khai thác) với người dân. Giờ thì bà con đã thấy được diện mạo mới của Đầm Nại, nên rất tích cực hưởng ứng”.
Xen lẫn với diện tích rừng ngập mặn tự nhiên còn lại được chăm sóc chu đáo trong những năm qua đang phát triển tốt bao bọc những điểm xung yếu của vành đai khu vực Đầm Nại là 52 ha cây mắm trắng và cây đân được ươm, trồng đang vươn mình, tạo cho Đầm Nại một màu xanh sinh thái mới. Hàng nghìn người dân sống quanh Đầm Nại có cơ hội để khai thác nguồn lợi thủy hải sản đa dạng cũng như thả nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Nông dân Võ Văn Trúc, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải, huyện Ninh Hải phấn chấn, nói: “Sau gần chục năm bị thiếu đói vì hậu quả tàn phá Đầm Nại, giờ nhất cử nhất động đều tuân thủ vào hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm, tích cực trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, không dùng xung điện để khai thác, tận diệt các loài thủy hải sản quý…nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng tốt hơn. Gia đình tôi, giờ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi cua, hào sửa…”
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, chúng tôi trở lại Đầm Nại và tận mắt chứng kiến hàng chục ha rừng ngập mặn mới đang phát triển, nơi này đã và đang hồi sinh với diện mạo mới. Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa Đặng Kim Cương cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đàn chim lưu lạc đã tựu về; các loài hải sản tưởng chừng bị tận diệt cũng đã quay về chốn cũ, sinh đẻ và phát triển từng ngày. Nhiều hộ dân đã từng tàn phá, lấn chiếm hàng chục ha rừng Đầm Nại để làm đìa nuôi tôm đã từng bỏ làng trốn nợ cũng đã quay về tích cực tham gia khôi phục lại những gì quý giá mà Đầm Nại đã có, với mong mỏi chuộc lại lỗi lầm và phát triển nuôi trồng các loài thủy sản theo định hướng của địa phương. Cũng có người đã trả hết nợ nần và đang vươn lên thoát nghèo.
Gặp lại các nông dân một thời tìm đủ mọi cách để “tàn sát” rừng ngập mặn Đầm Nại, ai cũng bộc bạch sự hối hận cho hành động của mình ngày ấy, cho nên, giờ chính họ là những người tích cực nhất, không quản ngày đêm bám đầm, tự nguyện trồng và chăm sóc từng cây non của rừng ngập mặn.
“Thấm thía lắm anh ơi, giờ mới nhận ra, nên anh em không nghĩ đến chuyện nhận lương mà chỉ mong những gì đóng góp hôm nay được cộng đồng chấp nhận để đền bù cho việc làm chưa đúng của hàng chục năm trước đây” - nông dân Võ Văn Trúc tâm sự.
Với những nỗ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận và người dân ở huyện Ninh Hải, giờ đây, Đầm Nại đang từng ngày tạo ra sự trù phú mới cho vùng đất tưởng chừng sẽ mãi mãi mất đi màu xanh vốn có mà thiên nhiên đã ban tặng.
Người dân sống ven Đầm Nại đã có hướng mưu sinh mới từ nguồn lợi thủy hải sản được tái tạo và chăm sóc đúng định hướng của ngành NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận.