Trước thực trạng luồng lạch bị bồi lắng nhiều năm gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào lưu trú tránh bão, tháng 10/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4036/QĐ-UBND phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi tại huyện Quỳnh Lưu".
Dự án được giao cho UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư, có tổng giá trị lên đến hơn 115 tỷ đồng, sau đó hạ xuống còn 95,83 tỷ đồng gồm các hạng mục: Nạo vét lòng lạch; xây dựng biển báo tín hiệu; đê bao bãi thải và sửa chữa bến neo đậu tàu.
Theo quyết định phê duyệt nói trên, Dự án được xây dựng trên địa bàn các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ và Quỳnh Ngọc với tổng chiều dài nạo vét trên 4,3km (điểm đầu từ cửa lạch và điểm cuối là nhà thờ Song Ngọc); chiều rộng từ 15-45m, đáy luồng sâu từ 3,5-4m. Dự án còn bao gồm hai tuyến kè dài gần 1.000m để neo đậu tàu thuyền. Khi hoàn thành, Dự án được kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu, tránh trú bão cho khoảng gần 300 tàu, thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng có công suất lên tới 200CV.
Người dân rất bức xúc vì tàu thuyền vào ra rất khó khăn
Dự án này do Công ty TNHH Minh Quang (ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu) thi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016. Nhưng đến ngày 10/01/2017, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục và gia hạn tiến độ, đến tháng 12/2017 dự án chính thức hoàn thành.
Có thể thấy, một Dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, với kỳ vọng rất lớn của chính quyền địa phương và ngư dân trong vùng.
Tuy nhiên, hiện phản ánh của ngư dân, cũng như các chủ tàu thuyền, sau khi hoàn thành, mục đích của dự án không được như mong đợi, thậm chí là thiếu hiệu quả thiết thực. Bởi, tình trạng tàu thuyền mắc cạn mỗi khi ra vào Lạch Thơi vẫn diễn ra thường xuyên, khiến nhiều người không khỏi bức xúc, nghi ngờ quá trình thực hiện, nghiệm thu Dự án có vấn đề?
Qua tìm hiểu, ghi nhận cũng như những phản ánh của người dân là có cơ sở. Hiện, trong 4 hạng mục được phê duyệt, chỉ có 2 hạng mục là nạo vét và xây dựng hệ thống biển báo được triển khai, 2 hạng mục còn lại không có vốn để thực hiện. Trong 2 hạng mục nói trên, hạng mục nạo vét chiếm phần lớn số vốn của Dự án.
Một ngư dân bức xúc nói, tháng 12/2017, Dự án công bố hoàn thành, vậy nhưng tàu thuyền của chúng tôi ra vào lạch vẫn phải có thuyền nhỏ lai dắt, riêng cửa lạch sau đợt mưa bão năm 2018 bị bồi lấp hoàn toàn nên hiệu quả dự án gần như là một con số không.
Chiều ngày 15/7, chúng tôi may mắn gặp một chủ tàu đánh cá tên là Tài khi anh này đang đưa còn tàu của gia đình đi sửa chữa ở một xưởng sửa chữa tàu đánh cá tại xã Quỳnh Thọ, vì tàu vừa bị mắc cạn cách đó vài tuần.
Anh Tài nhớ lại, hôm đó tàu tôi đang trên đường vào bờ thì bị mắc cạn ở cửa Lạch Thơi, lúc đó trên tàu có hơn 10 ngư dân nhưng không ai bị gì, riêng tàu thì bị gãy chân vịt, gãy gi, nước vào khoang máy làm hỏng máy, hệ thống điện... Theo lời anh Tài, tổng số tiền khắc phục hư hỏng, sửa chữa, bão dưỡng máy hết hơn 100 triệu đồng, mất trắng một chuyến đi biển.
Con tàu của anh Tài sau khi mắc cạn, bị hư hỏng phải sửa chữa hết hơn 100 triệu đồng
Không riêng gì trường hợp của anh Tài, những ngư dân ở xã Sơn Hải và xã Quỳnh Thọ cho hay, nay các tàu đi biển về, nếu để đảm bảo an toàn đều phải thuê một chiếc tàu nhỏ dẫn ra, dẫn vào để tránh tàu mắc cạn, giá của mỗi lần như vậy khoảng 500.000đ - 600.000đ.
Ông Thành, một người dân ở Quỳnh Thọ cho biết, trước đây, tàu 100 tấn khi thủy triều lên có thể ra vào Lạch Thơi dễ dàng, nhưng bây giờ kể cả tàu câu đi vào khi nước to, nếu không cẩn thận cũng bị cạn. Chỉ tay vào đống xà bần (bùn đất múc từ lòng sông – PV) bên bờ Lạch Thơi, ông Thành nói với phóng viên, các anh thấy đấy, họ nạo vét lạch mà múc bùn ở bờ lạch thuộc xã Sơn Hải mang sang đổ bên bờ lạch xã Quỳnh Thọ mà không có bờ chắn, mưa là bùn lại chảy xuống lạch, các anh coi có được không?
Ông Thành quả quyết, dự án cải tạo lạch chủ yếu hút cát là chính, sau đó tạo thành luồng mới tàu thuyền đi theo dọc theo luồng mới vừa xa, lạch vừa mau cạn vì quy luật tự nhiên là sóng đánh vào bờ, mang theo cát bồi lấp. Theo ông Thành, thêm một nguyên nhân khiến Lạch Thơi bị cạn là do người dân nuôi ngao, lấn ra lòng lạch làm thay đổi dòng chảy tự nhiên làm lòng lạch bị cạn.
Ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ nói rằng: Riêng về tính hiệu quả của Dự án này, tôi thấy không thực tế, bởi thời gian đầu thì được, nhưng sau một thời gian, lạch bị khỏa lấp một cách nhanh chóng. Nạo vét một đường nhưng giờ nó lại hình thành đường khác. Giờ, tàu muốn vào phải lai dắt hoặc phải đợi thủy triều lên mới vào được. Do không hiệu quả trong khai thác, nên hiện nay số lượng tàu cá của xã đã giảm từ 15 xuống còn 10 chiếc với công suất khoảng 90CV.
Theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Quỳnh Lưu cho biết: Năm 2018 mưa bão làm bồi lấp mất một đoạn đầu cửa Lạch Thơi, chiều dài khoảng 800m, đồng thời dòng chảy thay đổi, tạo thành một cửa mới. Bây giờ chỉ thủy triều cao thì tàu lớn mới có thể ra vào được, còn bình thường thì cả luồng mới và luồng cũ tàu đi lại rất khó khăn.
Ông Dinh lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đơn vị tư vấn thiết kế thiếu năng lực, không lường và nắm hết quá trình hình thành, biến đổi của dòng chảy ở Lạch Thơi. Cụ thể, khi triển khai nạo vét chỉ dựa trên thực tế luồng lạch hiện có mà không tham vấn, tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử thay đổi dòng chảy của Lạch Thơi. Để rồi, sau đó luồng lạch đã thay đổi sau một trận bão.
Cũng theo lời ông Dinh, hiện UBND huyện Quỳnh Lưu đã trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án để tiếp tục nạo vét đoạn hơn 800 mét bị bồi lấp với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng.
Được biết, vào ngày 18/11/2019 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quyết toán hạng mục “Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi tại huyện Quỳnh Lưu” với tổng số tiền hơn 93 tỷ đồng. Hiện số vốn đã giải ngân cho đơn vị thi công (Cty TNHH Minh Quang) là gần 60 tỷ đồng.
Nham nhở xà bần, bùn đất, rác rưởi tại Lạch Thơi
Như vậy, dự án chỉ mới hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó đã bị mưa bão bồi lấp gần 1km phía cửa Lạch Thơi, do đó có thể khẳng định tính hiệu quả của dự án không đạt được. Hi vọng rằng, với việc UBND huyện Quỳnh Lưu đang đề xuất một dự án mới với số tiền đầu tư gần 25 tỷ đồng sẽ cải thiện, khắc phục được tồn tại nêu trên.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện dự án cần đánh giá toàn bộ dự án một cách khoa học, đồng thời việc lựa chọn nhà thầu thi công phải có đủ năng lực; việc theo dõi, giám sát dự án cũng phải chặt chẽ hơn mới dự án phát huy hiệu quả.
Qua sự việc nêu trên, dư luận cũng đang băn khoăn về số tiền đã đầu tư thực hiện dự án lên đến gần 100 tỷ nhưng không phát huy được hiệu quả chẳng khác nào các bên có trách nhiệm đã “ném” một nguồn ngân sách không lồ xuống sông, xuống biển. Ai là người sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trong sự việc này cần phải được UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ!