Cách Hà Nội khoảng 170km, quãng đường đến Suối cá thần gần hơn từ khi đường Hồ Chí Minh chạy qua huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Từ thị trấn Cẩm Thủy, rẽ phải vào quốc lộ 217 chừng 15 km là tới cây cầu treo dẫn vào suối cá.
Bắc ngang dòng sông Mã thơ mộng, cây cầu treo làm bằng gỗ tạo thành một khung cảnh nên thơ, nhưng cũng dễ “dọa” những ai yếu bóng vía bởi mỗi khi có ô tô chạy ngang qua, thân cầu lại “nhún nhảy” theo nhịp xe lăn. Bởi thế chỉ có xe và tài xế được chạy qua cầu, còn hành khách trên xe xin mời xuống đi bộ.
Về thăm suối cá, nhớ chọn những ngày nắng đẹp. Khi đó du khách sẽ ngợp mắt trước đàn cá thần với lớp vảy xanh óng ánh đặc kín dòng suối như trẩy hội. Những chú cá chẳng hề sợ người, cứ thản nhiên bơi lội như thể đã quen với việc có hàng trăm cặp mắt đổ dồn chiêm ngưỡng chúng.
Và biết đâu, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng chú cá chúa, mà theo lời kể của người dân làng Lương Ngọc, chúng chỉ ra khỏi hang một lần trong năm.
Cây cầu treo dẫn vào làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương
Vào ngày mưa lạnh, đàn cá đổ ra suối thưa thớt hơn. Nhưng đó lại là những ngày Ban quản lý khu du lịch Suối cá miễn phí vé cho khách tham quan. Hiện nay giá vé vào thăm suối cá là 10.000 đồng/người đối với người lớn và 5.000 đồng với trẻ em.
Ngoài chiêm ngưỡng cá thần, du khách đến đây còn có thể khám phá hang động trên núi Trường Sinh. Những khối thạch nhũ tuyệt đẹp cuốn hút không ít khách tham quan dù đường đi khá hiểm trở.
Du khách mải mê ngắm cá
Bỏ ra 50.000 đồng, du khách có thể thuê một hướng dẫn viên nhí người bản địa dẫn mình lên động. Nhóm “hướng dẫn viên” có khoảng 20 em, chủ yếu là trẻ con ở các làng xung quanh suối Ngọc.
Một buổi đi học, một buổi các em tụ tập tại suối cá cho thuê dép tổ ong, đèn pin, hoặc dẫn khách tham quan hang động. Nhỏ nhất trong đội là Ngọc, cô bé mới 9 tuổi, nhưng lời giới thiệu, thuyết minh của em ngọt ngào và mượt mà lắm.
Linh, 15 tuổi, lớn nhất trong nhóm cho tôi biết, phần thuyết minh của các em về động Trường Sinh chủ yếu do đọc trong những cuốn sách, danh bạ giới thiệu về suối cá thần và các điểm tham quan du lịch của Thanh Hóa được bán tại đây.
Đàn cá bơi kín đặc dòng suối như trẩy hội
Nếu đến thăm suối cá vào ngày hội của làng Lương Ngọc, mùng 8 tết âm lịch hàng năm, du khách còn có cơ hội thưởng thức những điệu múa xòe, múa cồng chiêng của bà con dân bản. Trong tương lai gần, khi 10 ngôi nhà sàn thuộc một dự án phát triển làng Lương Ngọc thành làng du lịch của Bộ Văn hóa Thông tin và Truyền thông được dựng xong, điểm du lịch nổi bật của xã miền núi này sẽ không chỉ là cá thần, mà còn là không gian văn hóa đặc sắc của người dân tộc Mường.
Đến suối cá thần, du khách sẽ được thưởng thức cơm lam, ngô nếp nướng, và có nhiều lựa chọn để xách quà mang về là các sản vật của rừng khá phong phú như rau, quả rừng, mật ong, cây thuốc…