Vì thế, các nhà nghiên cứu đã tìm cách đưa Astaxanthin vào chế độ ăn của tôm, giúp tôm có màu sắc hấp dẫn và bắt mắt người tiêu dùng hơn. Nhưng trên thực tế, liệu thành phần này có đem đến các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng hay không ?
Dùng Astaxanthin thay cho kháng sinh trong nuôi tôm
Astaxanthin là một Carotenoid có thể tan trong chất béo. Được biết đến là các sắc tố màu đỏ thẫm và được tìm thấy trong rất nhiều loài sinh vật biển, đặc biệt là cá hồi, cá mú đỏ, tôm, krill hoặc tảo biển. Là chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự tạo tách các nguyên tử hydro từ axit béo không no. Chúng đóng vai trò rất quan trọng trong ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, đặc biệt là ngành tôm nói riêng.
Từ các nghiên cứu cho thấy rằng các loài thuộc động vật giáp xác sống dưới nước như tôm lại không thể tự tổng hợp được Astaxathin để tạo nên sắc tố đỏ cho mình, một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị khi xuất bán ra thị trường. Vì vậy, trong quá trình nuôi, người nuôi sẽ hỗ trợ chúng công việc này. Họ bổ sung một lượng ít Astaxanthin vào khẩu phần ăn giúp tạo màu cho vỏ và các cơ quan bên trong của chúng trở nên đặc sắc, hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, đạt chất lượng cao về mặt thẩm mỹ.
Cách để bổ sung Astaxanthin tạo màu sắc cho tôm hiệu quả nhất chính là nuôi tôm trong một môi trường có mật độ tảo và nuôi tảo biển đủ để cung cấp Astaxanthin cho chúng. Nhưng đối với việc nuôi thâm canh hoặc nuôi siêu thâm canh như hiện nay lại không thể tự cung cấp đủ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm cách đưa chúng vào trong một số loại thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho tôm dễ dàng tổng hợp và hấp thụ Astaxanthin một cách hiệu quả, kinh tế nhất.
Khi tôm được cung cấp đủ Astaxanthin sẽ tạo được lớp vỏ có màu đỏ rất đẹp khi chế biến, đạt được những yêu cầu thu mua xuất khẩu của các nhà máy, thương lái. Từ đó, người nuôi sẽ đạt được năng suất cao cho vụ nuôi của mình.
Để tôm nuôi trong điều kiện thâm canh đạt màu sắc tốt cần bổ sung khoãng 50 ppm Astaxanthin vào thức trong suốt vụ nuôi.
Vậy khi ăn tôm có chứa Astaxathin có nguy hại gì không ?
Hiện nay lạm dụng kháng sinh và một số loại thuốc – hóa chất khác trong nuôi tôm đã và đang dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng về gia tăng khả năng kháng thuốc, ô nhiễm môi trường và mối nguy an toàn thực phẩm. Đã có nhiều khuyến cáo cho ngành tôm với những hướng đi sử dụng các phương pháp dinh dưỡng phòng bệnh an toàn cho tôm hơn trước khi tôm được đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay chưa có báo cáo nào cho thấy việc sử dụng Astaxanthin trong ngành tôm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: NNVN
Qua các nghiên cứu từ các nhà khoa học. Astaxathin không những chỉ hỗ trợ cho tôm có màu sắc đỏ hấp dẫn mà còn giúp chúng chuyển hóa tế bào tăng cường quá trình trao đổi qua đó giúp tôm hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn và tăng trưởng nhanh chóng. Ngoài ra còn tăng khả năng chống chịu stress và khả năng kháng bệnh.
Thực ra, Astaxanthin chỉ là một loại carotenoid thứ cấp, không có mối nguy hại cho người tiêu dùng. Ngoài việc sử dụng Astaxanthin cho ngành nuôi trồng thủy sản, chúng còn được sử dụng rộng rãi trong ngành dược và dược mỹ phẩm. Astaxanthin giúp cải thiện sức khỏe của não, da và tim, hỗ trợ thị lực tốt hơn, tăng khả năng sinh sản của nam giới, tăng sức chịu đựng và giảm viêm.
Mặc dù các nghiên cứu ở người còn hạn chế, nhưng hiện nay chưa có báo cáo nào cho thấy việc sử dụng Astaxanthin trong ngành tôm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ở dạng bổ sung, nó đã được nghiên cứu và chứng minh an toàn với liều tới 40 miligam mỗi ngày trong 12 tuần. Tuy nhiên, liều lượng khuyến cáo là 4 đến 8 miligam, 1 đến 3 lần mỗi ngày với bữa ăn của bạn.