Khảo sát bước đầu 276.000 ha, trong đó 9.832 ha tôm công nghiệp; 266.168 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, kết quả cho thấy tôm nuôi quảng canh có tỷ lệ chết trên 70% là 17.622 ha, từ 30-70% là 34.845 ha, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Tôm nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh bị thiệt hại trắng và độ mặn tại đây lên đến 70%o.
Tôm chết do nhiều nguyên nhân: nắng kéo dài làm cho mực nước trên các tuyến sông giảm thấp và độ mặn trong vuông nuôi tăng cao, một số nơi lên đến 80%o, nhất là ở những vùng lúa - tôm nằm sâu trong nội đồng như: huyện U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau. Thiệt hại nặng nhất là 2 huyện U Minh, Thới Bình, có nơi tôm chết 100% diện tích. Ðặc biệt là vùng sản xuất lúa - tôm, vụ lúa vừa bị thiệt hại, nay tôm tiếp tục chết, người dân không còn vốn để tái sản xuất.
Các kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản khẳng định, mô hình sản xuất tôm - cua bằng chế phẩm sinh học phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu trên đồng đất Cà Mau.
Trong chuyến làm việc với UBND tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám có chuyến đi khảo sát thực tế 2 huyện U Minh, Thới Bình và kết luận: tình trạng tôm nuôi ở Cà Mau bị thiệt hại trong thời gian qua rất nghiêm trọng. Thứ trưởng lưu ý các nhà khoa học thuộc đơn vị chức năng của bộ nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ký quyết định công bố thiên tai cấp độ 2 đối với tôm nuôi nhằm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi tôm./.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra độ mặn trên các vuông tôm của địa bàn Ấp 9, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh tăng cao từ 55-70%o.
Một số nơi có điều kiện chủ động cung cấp được nguồn nước, bà con tiến hành vệ sinh đồng đất thả tôm nuôi vụ mới.