Nỗi ám ảnh mang tên EMS
EMS/AHPNS xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc năm 2009. Ban đầu hầu hết nông dân đều phớt lờ. Nhưng năm 2011, sự bùng phát bệnh trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các trang trại có lịch sử nuôi hơn 5 năm và khu vực gần biển sử dụng nguồn nước rất mặn. Nuôi tôm ở Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây bị thiệt hại hơn 80% trong nửa đầu năm 2011.
Ở Malaysia, bệnh EMS được báo cáo đầu tiên vào giữa năm 2010 ở các bang bờ đông Pahang và Johor. Dịch bệnh EMS bùng phát dẫn đến sự sụt giảm sản lượng tôm thẻ từ 70.000 tấn năm 2010 xuống chỉ còn 40.000 tấn năm 2011.
Tại Việt Nam, bệnh được theo dõi từ năm 2010, nhưng sự tàn phá lan rộng nhất do bệnh EMS được báo cáo kể từ tháng 3/2011 ở khu vực ĐBSCL. EMS tác động đến các khu vực sản xuất tôm chủ lực của khu vực này như: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng diện tích thiệt hại khoảng 98.000 ha.
Còn tại Thại Lan, ngành nuôi tôm nước này cũng bắt đầu phải chịu đựng ảnh hưởng của EMS từ năm 2012. Đến nay, hầu hết các trang trại trong vùng nuôi tôm rộng lớn ở miền đông Thái Lan đều bị thiệt hại do ảnh hưởng của EMS. Trong cuối năm 2012 và đầu năm 2013, đỉnh điểm có đến 80 - 90% diện tích ao nuôi ở khu vực này phải ngừng sản xuất.
Lộ diện nguyên nhân
Khi chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh EMS, công tác phòng chống và điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đầu tháng 5/2013, Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA) thông báo rằng, Tiến sĩ Donald Lighter, nhà nghiên cứu bệnh học của Trường Đại học Arizona (Mỹ) đã tìm ra nguyên nhân của EMS, mở ra hy vọng tìm biện pháp dài hạn để khắc phục dịch bệnh tiêu tốn của ngành tôm nuôi thế giới hàng tỷ USD mỗi năm này.
Nhóm nghiên cứu do Tiến Sỹ Donald Lighter dẫn đầu cho biết, thủ phạm gây ra EMS là do một chủng của loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong vùng nước lợ ven biển trên toàn cầu, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.
Các nỗ lực nghiên cứu xác định bệnh lý và đối phó lại với EMS đã được hỗ trợ bởi một liên minh các đối tác bao gồm: Trường Đại học Arizona (UA); Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO); Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); Ngân hàng Thế giới (WB); Mạng lưới các trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương (NACA); Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA); Bộ NN&PTNT Việt Nam; CP Foods; Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Grobest Inc và Công ty thức ăn chăn nuôi Uni-President.
Không nguy hại cho người
Nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Donald Lightner dẫn đầu cũng khẳng định, EMS/AHPNS không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số chủng hiếm hoi của V. parahaemolyticus là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa ở người thông qua việc tiêu thụ tôm và hàu sống hoặc chưa được nấu chín, nhưng chỉ có dòng mang hai gen chuyên biệt mới gây bệnh cho người. Tuy nhiên, chỉ có 1 – 2% của chủng V. parahaemolyticus hoang dã trên toàn thế giới có hai gen chuyên biệt này.
Lightner khẳng định: “Chủng V. parahaemolyticus mà chúng tôi tách biệt dường như không có các gen có đặc tính độc hại để lây nhiễm cho con người”.
“Không có bất kỳ báo cáo của bệnh nhân nào có liên quan đến EMS. Và những phát hiện mới này sẽ có xu hướng xác nhận rằng, tôm nhiễm EMS không gây hại đến sức khỏe người dân”, Iddya Karunasagar - chuyên gia về an toàn hải sản tại FAO nhận định.
Tôm đông lạnh an toàn
EMS ảnh hưởng đến 2 loài tôm nuôi phổ biến trên thế giới là tôm sú Penaeus monodon và tôm thẻ chân trắng P. vannamei. Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh bao gồm: hôn mê, tăng trưởng chậm, dạ dày trống rỗng, ruột giữa và gan tụy xanh xao, co lại, có những vết hơi trắng và đen. Bệnh xuất hiện trong vòng 20 - 30 ngày sau khi thả giống, tỷ lệ chết có thể lên đến 100% ở các ao bị nhiễm bệnh nặng.
Cho đến nay, đã có 4 quốc gia chính thức báo cáo EMS là Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, bất cứ nơi nào nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều có nguy cơ tiềm tàng EMS. Điều này bao gồm hầu hết các nước ở châu Á và phần lớn ở châu Mỹ La tinh, nơi nuôi tôm rất quan trọng, cũng như các nước châu Phi khác như: Madagascar, Ai Cập, Mozambique và Tanzania.
Hiện, có một số nước đã thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu tôm đông lạnh hoặc các sản phẩm tôm khác từ các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi EMS. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Donald Lightner khẳng định, các sản phẩm tôm đông lạnh tương đối an toàn và chưa có cơ sở khoa học khẳng định chúng là nguồn lan truyền bệnh EMS bởi nhóm của ông cũng đã có nhiều nghiên cứu về mức độ lan truyền bệnh EMS bằng cách sử dụng mô tôm đông lạnh nhưng không thành công.
Vẫn cần chủ động đối phó
Phát hiện ra vi khuẩn gây EMS là bước quan trọng đầu tiên trong việc tìm kiếm những biện pháp hiệu quả để đẩy lùi căn bệnh này. Tuy nhiên cho đến lúc các biện pháp “hóa giải” dài hạn được đưa ra, người nuôi tôm vẫn cần chủ động để đối phó với mối nguy này.
Theo khuyến cáo của FAO, người nuôi tôm nên tin tưởng tuân thủ theo thực hành tốt nhất an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản đã được thiết lập lâu nay nhằm ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến EMS.
Theo đó, người nuôi tôm cần lưu ý: Nên mua tôm post-larvae từ các cơ sở cung cấp có uy tín và được kiểm dịch; Sử dụng thức ăn chất lượng cao và tránh các áp lực môi trường để giữ cho tôm khỏe mạnh; Duy trì các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thích hợp và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu trên tôm. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc tôm chết bất thường phải báo cáo ngay cho cơ quan thích hợp... Ngoài ra, bất kỳ hoạt động nào của các sản phẩm tôm sống hoặc không đóng băng cũng phải phù hợp với thực hành tốt nhất đã được thiết lập lâu nay.