Ông Phạm Văn Thư ở xã Hồng Phong (Vũ Thư, Thái Bình) mấy ngày nay lo lắng khi cá diêu hồng, cá lăng chết nổi trắng bè.
Là hộ duy nhất của xã nuôi cá trên sông Hồng, ông Thư cho biết đã thả 68.000 con cá thương phẩm ở 13 lồng. Bốn ngày trước nước lũ lên cao, chảy mạnh khiến cá bị sặc bùn bơi lờ đờ, sau đó chết nổi trắng bụng. "Sau hai năm nuôi thả, đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì cá bị chết cả", ông Thư nói.
Gia đình ông Thư có khoảng 65 tấn cá diêu hồng, 13,5 tấn cá lăng bị chết, ước tính thiệt hại 4 tỷ đồng. “Tôi và đứa cháu họ vay ngân hàng cả tỷ đồng để đầu tư lồng nuôi và mua cá giống, giờ mất sạch”, ông Thư nói.
Ngày 17/10, Chủ tịch xã Hồng Phong, ông Lưu Thế Lực xác nhận khoảng 68.000 con cá thương phẩm nuôi lồng bè đã chết trong đợt lũ. Hiện toàn bộ số cá chết được vớt mang đi chế biến thành phân bón, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Số cá chết đã được vớt đưa đi chế biến phân bón cho cây trồng. Ảnh: V.Linh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, lũ cũng khiến gần 35.000 ha lúa mùa và trên 12.000 ha cây vụ đông bị ngập úng thiệt hại gần 60 tỷ đồng.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Hồ thủy điện Hòa Bình lần đầu tiên phải mở 8 cửa xả lũ. Nước dồn về hạ lưu khiến lũ sông Hồng lên cao.
Lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra ở nhiều tỉnh miền núi như Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La. Các tỉnh thành như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nội, Hà Tĩnh bị ngập nặng do lũ tràn, hoặc vỡ đê. Thống kê đến hôm nay có 75 người chết, 28 người mất tích, gần 170 sự cố đê điều.