Khoảng đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, khi nước đã tràn đồng khoảng một mét rưỡi thì cũng là lúc các ghe cào sử dụng xung điện kéo đến. Trời chạng vạng tối, họ xuất hiện thành đoàn mười mấy chiếc ghe tấn công thẳng vào các tuyến kênh, cánh đồng. Thông thường khoảng 18 giờ là các che cào bắt đầu lên đồng hoạt động cho đến 2 giờ sáng. Chẳng phải tốn nhiều công sức, ghe cào đi đến đâu coi như cá lớn, cá bé chết đến đó; còn người dân giăng lưới xung quanh thì một phen hú vía, chỉ hy vọng mong manh một điều: Đừng có tay lưới nào bị ủi rách nát! “Gặp họ, tui chống xuồng tới lui đi theo để canh các tay lưới, thức sáng đêm… la chằng chằng. Thấy mình la, họ cũng dạt ra, nhưng cũng có ghe ủi thí luôn.
Mới đây tui bị đứt 1 tay lưới, còn ông anh thứ út thì rách 2 tay lưới, mất 300 -400 ngàn đồng”. Chú Nguyễn Văn H., ngụ xã Bình Phú (Châu Phú) cho biết: Đã mấy mùa nước giăng lưới ở các cánh đồng: Ba Thê, Vĩnh Khánh (Thoại Sơn) cũng đều gặp lực lượng ghe cào bằng xung điện, nhiều ghe sử dụng 4 máy có công suất lớn. Có nơi người dân xót của nên lớn tiếng phản ứng, song chẳng ai dám đến gần. Chú H. nói: “Hết xóm này, khoảng 30 hộ đều sống bằng nghề giăng lưới. Năm nay đâu có cá nhiều, được lúc đầu mùa nhưng mấy ghe cào vô ủi hết rồi. Không đánh bắt được, ai có làm vụ 3 thì làm còn không coi như thất nghiệp”.
Dân câu lưới đều biết “chiêu” của các ghe cào thường sử dụng máy phát điện gắn trực tiếp vô giàn cào, tận diệt mọi nguồn lợi thủy sản khi họ đi qua. “Nhà nước mà cấm được mấy ông đó là êm! Họ dùng xuyệt điện, chạy cái càng bề ngang 7-8 thước thì còn gì cá. Có đêm họ bắt được cả tấn cá, còn mình một đêm về chỉ được vài chục ký, nhiều khi vài ký cá, đem về ngồi gỡ trầy cả tay. Trong khi họ đâu phải nghèo, toàn dân nhà giàu không hà, sắm phương tiện đó đâu phải rẻ tiền. Nào mua ghe, mua máy, rồi giàn ủi… cộng lại cũng mấy chục triệu đồng”. Ngồi gỡ từng con cá trong giàn lưới vừa đánh bắt được, dì hai Thu ngụ xã Bình Chánh nói.
Trong khi các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền và triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương thì nhiều người, vì lợi ích trước mắt chuyển sang sử dụng các loại ngư cụ có hỗ trợ xung, kích điện. Tình trạng này dù không phải mới nhưng muốn ngăn chặn hiệu quả lại không dễ. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Phú Nguyễn Hữu Tá, trước mùa nước nổi, UBND huyện chỉ đạo xã lên kế hoạch chống đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Khi nước bắt đầu lên đồng, ghe cào chủ yếu ở các khu vực lân cận, như: Xã Cần Đăng, Vĩnh An, Vĩnh Bình (Châu Thành)… tổ chức thành đoàn kéo đến, chủ yếu là bà con dòng họ với nhau. Họ đi từ 10 đến 20 chiếc và mang hung khí (cây, dao…). Trong khi lực lượng chức năng địa phương thì mỏng, rất dễ bị tấn công, đánh trả. Trước tình hình trên, xã đã xin ý kiến huyện trang bị thêm phương tiện hỗ trợ vì hiện đang thiếu. Ngoài ra, ông Tá còn cho biết thêm, nhiều lần chỉ đạo lực lượng ra quân, nhưng đều không bắt được đối tượng.
“Vì sao địa phương quyết tâm chống đánh bắt thủy sản bằng xung điện, nhưng đối tượng đang tận diệt nguồn lợi thủy sản thì vẫn ngang nhiên hoạt động?”. Ông Nguyễn Hữu tá cho rằng: “Chúng tôi ngầm biết có tình trạng cán bộ bảo kê xảy ra tại địa phương. Dù rằng bản thân tôi rất bức xúc nhưng do chưa có cơ sở nên chưa thể giải quyết được. Thế nên giải pháp trước mắt là trong các cuộc họp thường xuyên làm công tác quán triệt tư tưởng cho các cán bộ tuyệt đối không tham gia vấn đề bảo kê”. Năm 2011, từ đơn thưa của người dân, xã Bình Phú đã xử lý một trường hợp cán bộ tham gia “bảo kê” cho lực lượng đánh bắt thủy sản bằng xung kiện bằng hình thức kỷ luật, cách chức chuyển công tác.