Thiếu cá giống nghiêm trọng
"Trước tình hình giá cá tra tăng, nhiều hộ chăn nuôi muốn quy hoạch lại ao để nuôi, nhưng lại không có cá giống để thả" - ông Trương Đình Hòe nêu nghịch lý.
Do không đủ nguyên liệu cá giống, nên sản lượng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang thiếu hụt so với nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp. Về việc thiếu hụt cá tra nguyên liệu, trước đây, các doanh nghiệp vẫn chưa rõ là thiếu cục bộ (mang tính thời điểm) hay là thiếu hụt thực sự. Tuy nhiên, trước tình trạng nguyên liệu cá từ Tết Nguyên Đán đến nay vẫn tăng, tình trạng thiếu hụt kéo dài, chứng tỏ nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt thực sự.
Trong khi đó, hiện nay, thời tiết tại các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến thất thường. Trong 2 tháng qua, mưa và nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm ảnh hưởng đến việc ươm cá giống. “Dự báo, cá giống sẽ chậm hơn một tháng, thay vì có giống mới vào tháng 4 tháng 5, thì nay phải rơi vào tháng 5 và 6. Như vậy, để có con giống, người nuôi phải chờ ít nhất 2-3 tháng nữa” - ông Trương Đình Hòe cho biết.
Với tình hình con giống hiện nay, cá tra nguyên liệu có lại để cung ứng cho nhà máy sớm nhất cũng phải tới tháng 2 năm sau, đối với loại cá có size từ 1,3 kg trở lên cũng phải chờ mất cả năm. Một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cho biết.
Điều này đã khiến giá xuất khẩu cá tra đang không ngừng tăng. Tại thị trường Châu Á, từ tháng 2.2017, giá cá tra đã ở mức trung bình là 2,7USD/kg dự báo tiếp tục tăng trong tháng 4, dự kiến ở mức 2,8-3USD/kg. Thị trường Trung Quốc đang bị dịch cúm gia cầm làm ảnh hưởng, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cá tra cũng sẽ tiếp tục tăng cao.
Duy trì nguồn nguyên liệu chờ thị trường Châu Âu “ấm” lại
Thông tin về lý do thị trường Châu Âu (EU) đang giảm lượng cá tra nhập khẩu, ông Trương Đình Hòe cho rằng EU giảm nhập khẩu cá tra từ nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Nguyên nhân giảm nhập khẩu một phần bởi kinh tế khó khăn, tỉ giá đồng Euro giảm sút so với đồng USD. Nếu như trước đây 1 đồng Euro “ăn: 1,6USD, thì nay giảm chỉ còn 1,2USD. Trong khi đó, giá xuất khẩu cá tra của ta tính theo đồng USD, lại do nguồn cung thiếu hụt, giá xuất khẩu bị đẩy lên cao, EU giảm số lượng mua để chờ kinh tế ổn định. “EU vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng của nước ta” – ông Trương Đình Hòe khẳng định.
Do đó, Việt Nam vẫn phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì ổn định nguồn hàng để khi thị trường có nhu cầu, ta có ngay sản phẩm để cung ứng, bởi, theo các chuyên gia nông nghiệp, cá tra sẽ là mặt hàng thiếu hụt nặng nhất trong năm 2017 cung cấp cho các thị trường nhập khẩu.