Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2018, chiến dịch môi trường của Trung Quốc tiếp tục nhằm vào các trại nuôi trồng thủy sản vì nước này muốn kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Trong năm 2019 tình hình có thể tiếp tục diễn ra. .
Theo dữ liệu của Tạp chí Nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc, cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc có quy mô rất lớn, xóa sổ 300.000 lồng nuôi và 160.000 ha trang trại thủy sản.
Năm 2018, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc có nhiều trại nuôi tôm bị đóng cửa. Theo Seafoodsource, các cơ sở nuôi tôm ở thị trấn Nam Thông (thuộc tỉnh Giang Tô) vi phạm quy định về môi trường mà không dừng hoạt động sẽ phải chị khoản phạt lên tới gần 144.000 USD.
Người dân thị trấn tỉnh Nam Thông được khuyến cáo chuyến sang nuôi các các loại thủy sản khác như cá chép hoặc cá chạch do các loài này ít tác động xấu đến môi trường hơn.
Tuy nhiên, điều này có vẻ như không thuyết phục được người dân nơi đây khi họ tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 2.870 cho mỗi lồng nuôi thẻ chân trắng.
Tại tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, 50.000 trại nuôi cũng đã bị xóa sổ. Còn ở tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, hai trong số các khu vực nuôi trồng thủy sản lớn nhất Trung Quốc cũng phải cho dừng hoạt động nhiều trại nuôi.
Thiên Tân, một đô thị cấp tỉnh, đã đóng cửa các trang trại bất hợp pháp vào năm 2018 và tuyên bố sẽ không còn cấp giấy phép nuôi biển năm 2019.
Tuy vậy, tính đến giữa tháng 2, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thủy sản nuôi trồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 2/3 sản lượng cá, tôm và các loài thủy sản nuôi khác trên toàn cầu.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định nguy cơ sụt giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc do vấn đề môi trường có thể dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Đồng thời, chiến dịch môi trường cũng có thể khiến giá thủy sản thế giới tăng cao hơn.
Bên cạnh sự sụt giảm mạnh sản lượng nuôi trồng, sản lượng thủy sản khai thác năm 2018 tại Trung Quốc cũng giảm vì có sự quản lý chặt chẽ hơn nghề khai thác thủy sản.