Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu được thương lái mua tận hộ dân, loại 20 con/kg từ 260.000-270.000 đồng/kg, loại 30 con giá từ 215.000-225.000 đồng/kg, loại 40 con từ 170.000-185.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 35-40 con giá từ 145.000-150.000 đồng/kg, loại 80-100 con có giá từ 102.000-112.000 đồng/kg…; trong đó, giá tôm sú nguyên liệu loại cỡ lớn tăng mạnh nhất, hiện tăng khoảng 20% so với cùng kỳ; riêng tôm thẻ chân trắng tăng trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại tôm sú sống chạy ôxy có giá bán cao hơn tôm ướp đá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg nhưng luôn hút hàng.
Cùng với đó, giá các loại tôm đất, bạc cũng đứng ở mức cao, nhất là tôm đất sống, loại nhất luôn khan khiếm hàng, có giá khoảng 150.000 đồng/kg, tôm bạc dao động từ 60.000- 70.000 đồng/kg loại lớn.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng gần đây là do nguồn cung thiếu. Hơn nữa phần lớn diện tích nuôi tôm quảng canh đang vào mùa cải tạo ao đầm, đối với diện tích nuôi tôm công nghiệp thì độ nước mặn trong ao chưa đủ để thả nuôi. Riêng sản lượng tôm khai thác, đánh bắt trên biển không tăng nhiều so với cùng kỳ, trong khi đó gần đây các doanh nghiệp trên địa bàn nhận được nhiều đơn đặt hàng mới, nhu cầu thị trường xuất khẩu các mặt hàng tôm chế biến, đông lạnh có chiều hướng tăng vào những tháng cuối năm và đầu năm mới.
Mặc dù thời gian qua giá tôm trên thị trường có chiều hướng tăng ổn định, người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhưng do thời tiết không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dịch bệnh chưa kiểm soát chặt tốt… dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại cao.
Nhằm giúp người dân sản xuất đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương tiếp tục theo dõi và hướng dẫn nông, ngư dân tuân thủ quy hoạch và khung lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2017. Đồng thời khuyến cáo các mô hình nuôi phát triển bền vững, gắn lợi ích với trách nhiệm bảo vệ môi trường vùng nuôi; khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh, từng bước hình thành trung tâm sản xuất tôm giống có uy tín, thương hiệu mạnh của vùng và cả nước.
Sở cũng chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phân công cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thủy sản bám sát địa bàn, chỉ đạo sát thực tế, nắm chắc tình hình, hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 137.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 8.000 ha. Nhưng, do nhiều yếu tố khách quan, thiên tai bất lợi đã làm thiệt hại hơn 5.000 ha. Tính đến thời điểm này, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đạt gần 250.000 tấn; trong đó, tôm hơn 86.000 tấn, đạt hơn 77% so với kế hoạch, và tăng 105% so với cùng kỳ.