Dù không đạt được kết quả như mong đợi nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để vực dậy ngành hàng cá tra. Vấn đề của mô hình thí điểm tại An Giang là do không đánh giá được tiềm lực tài chính của công ty tham gia chuỗi liên kết, khiến mô hình hình này bị gãy đổ giữa chừng.
Để lấy lại vị thế của ngành nuôi và chế biến cá tra, đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Tổng Cục thủy sản phối hợp với Tập đoàn thủy sản Hùng Vương xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá thành tốt nhất. Cùng với đó là những giải pháp mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.
Tại một hội nghị mới đây về ngành cá tra, giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra là sớm triển khai Nghị định 55 thay thế Nghị định 36, nhằm thống nhất khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: "Bắt đầu từ 1/7/2017 thì nghị định 55 có hiệu lực và tất cả nội dung của nghị định 55 không có nội dung nào phải kéo dài thời gian, và được thực hiện một cách nghiêm túc"
Vì đó là khung khổ pháp lý định hướng ngành cá tra sản xuất theo chuỗi an toàn, chất lượng, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ những thị trường lớn như Mỹ, EU.
Theo Nghị định 55, tới đây các doanh nghiệp cá tra sẽ không được để tỷ lệ mạ băng hơn 20% khối lượng sản phẩm và không quá 86% đối với hàm lượng nước.
Một khi thống nhất về chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông sẽ dễ dàng hướng các doanh nghiệp chế biến sâu để đi vào các phân khúc thị trường cao cấp nhằm tăng giá trị cũng như tính cạnh tranh của mặt hàng này.