Hiện tượng này xảy ra từ ngày 26-27/3/2019, tại vùng nuôi tôm hùm lồng tập trung ở vịnh Xuân Đài, đã có hiện tượng nước biển chuyển sang màu đỏ bất thường, xuất hiện nhiều nhất là tại vùng nuôi tôm hùm lồng ở Phước Lý (phường Xuân Yên) và các vùng như Phú Mỹ, Trung Trinh (thuộc xã Xuân Phương, TX Sông Cầu). Các vùng nuôi đã có hiện tượng tôm hùm nuôi bị chết, người nuôi tôm phải nâng lồng nuôi lên mặt nước.
Kết quả quan trắc và phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) cho thấy, một số chỉ tiêu về môi trường nước tại vùng nuôi như: NH3, H2S, COD đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép, mật độ tảo phát triển mạnh. Đặc biệt, chỉ tiêu oxy hòa tan trong nước quá thấp so với ngưỡng quy định.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm hữu cơ, tảo phát triển mạnh trong đợt này tương tự như những trường hợp tôm chết do môi trường đã xảy ra trong các năm 2016, 2017 trên vịnh Xuân Đài.
Dự báo thời tiết trong thời gian đến, nắng nóng kéo dài, khả năng có mưa dông, là điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ, tảo phát triển mạnh, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại các vùng nuôi thủy sản lồng, bè trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu là rất lớn.
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để hạn chế rủi ro do sự cố môi trường vùng nuôi, giải pháp cấp bách trước mắt Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn địa phương các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro. Theo đó, người nuôi cần chủ động thực hiện sang thưa mật độ thủy sản nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi; sử dụng lưới lồng với kích cỡ mắt lưới phù hợp, tránh sử dụng lưới có kích cỡ mắt lưới nhỏ làm giảm quá trình lưu thông nước, tích cực vệ sinh lưới lồng nuôi, loại bỏ các sinh vật bám gây cản trở sự lưu thông nước. Đồng thời, không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho ăn, quản lý cho ăn tránh dư thừa, giảm bớt lượng cho ăn trong ngày vào thời điểm nắng nóng, oi bức, có mưa dông.
Mặt khác, hiện nay, mật độ lồng nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu rất cao, là nguyên nhân làm quá sức tải môi trường, do vậy, người nuôi không nên thả giống mới trong thời gian này để giảm mật độ lồng nuôi.Thường xuyên quan sát môi trường nước vùng nuôi; kiểm tra tình hình sức khỏe tôm nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra.
Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc tôm hùm nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo oxy để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho tôm hô hấp; sử dụng các vật liệu chống nắng che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp, ảnh hưởng sức khỏe tôm trong thời gian ganh lồng. Nhanh chóng thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường.
Khẩn trương phối hợp quản lý công tác nuôi trồng thủy sản lồng bè
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý công tác nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tăng tần suất và mật độ quan trắc môi tường và giám sát dịch bệch các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè, nhất là vịnh Xuân Đài, thông báo kết quả và hướng dẫn người nuôi chủ động phòng tránh bằng nhiều biện pháp thích hợp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giống thủy sản, cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh không đúng quy định pháp luật. Theo dõi, tổng hợp tình hình môi trường, dịch bệnh nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn, hỗ trợ theo thẩm quyền, thường xuyên cập nhật báo cáo kết quả hàng tuần, tháng cho UBND tỉnh biết chỉ đạo.
Đề nghị UBND các huyện: Tuy An, Đông Hòa và thị xã Sông Cầu tuyên truyền vận động người dân nuôi đúng theo quy hoạch, lịch thời vụ và hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, quản lý về nuôi trồng thủy sản; thường xuyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý về thủy sản thực hiện kiểm tra, thanh tra lồng, bè, cơ sở kinh doanh tôm hùm giống, thức ăn, thuốc thú y để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình môi trường vùng nuôi, bệnh thủy sản, kịp thời báo cáo cho ngành chức năng để chủ động triển khai công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả; cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, môi trường.