Thay đổi hình thức nuôi:
Ở Thừa Thiên Huế dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở những hộ nuôi tôm có diện tích nhỏ, không có hệ thống ao chứa, ao lắng để xử lý nước nên khi một ao bị bệnh rất dễ bị lây lan sang các ao còn lại, thậm chí là lây lan ra môi trường xung quanh làm thành dịch trên toàn vùng nuôi. Để hạn chế dịch bệnh, người nuôi tôm tại nhiều địa phương đã có những hình thức nuôi tôm phù hợp, hiệu quả. Đó là những mô hình nuôi xen ghép tôm - cá; tôm - lúa; tôm - cua; nuôi ghép tôm với cá rô phi đơn tính… Đặc điểm chung của các mô hình này là sử dụng vật nuôi ghép để ăn thức ăn dư thừa và làm sạch môi trường. Cả đối tượng nuôi chính là tôm và các đối tượng nuôi ghép phụ đều có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Đặc biệt trong quá trình nuôi ít hoặc không sử dụng hóa chất nên sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn.
Đa dạng đối tượng nuôi:
Hiện nay, đa phần người nuôi tôm bị thiệt hại đều muốn thả tiếp để gỡ lại. Tuy nhiên, việc cải tạo và thả lại có thể đạt kết quả không như mong muốn, bởi vì tôm vẫn rất mẫn cảm với mầm bệnh còn trong đất và nước nuôi. Đa dạng đối tượng nuôi chính là cách thay đổi vật chủ làm cho mầm bệnh trên tôm mất dần đi, môi trường ao tôm được trở nên tốt hơn. Người nuôi tôm có thể nuôi một vụ tôm ăn chắc, sau đó là nuôi cá hoặc nhuyễn thể… ở vụ tiếp theo sau đó mới lại nuôi tôm, thay vì nuôi 2 hoặc 3 vụ tôm liên tục trên cùng diện tích như hiện nay. Người nuôi cũng cần áp dụng những mô hình nuôi tôm theo sinh thái, bền vững như sử dụng các ao nuôi riêng các loại đối tượng để lọc nước trước khi lấy nước vào ao tôm hoặc xử lý nước thải của ao nuôi tôm.
Nhờ những giải pháp như trên, trong hai năm qua tình hình dịch bệnh trên tôm ở các địa phương nuôi tôm thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm hẳn. Chính vì vậy cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi nuôi tôm cần phải chủ động lựa chọn phương pháp nuôi tôm cho phù hợp nhằm tránh những thiệt hại xảy ra./.