Gặp khó ở nhiều thị trường
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cà phê, điều, tiêu, rau quả, thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK), trong khi gạo và sắn là hai mặt hàng đang có tốc độ suy giảm XK lớn nhất; riêng mặt hàng cao su, chè mặc dù tăng về lượng nhưng giảm về giá trị.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm, XK sắn và các nguyên liệu từ sắn đạt 2,31 triệu tấn và 616 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 28,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 6 tháng đầu năm 2016, chiếm tới 86,1% thị phần, giảm 23,5% về khối lượng và giảm 33% về giá trị. Theo các chuyên gia, do giá dầu trên thị trường thế giới đứng ở mức thấp nên các nước nhập khẩu cũng giảm nhu cầu về mặt hàng này.
Nguyên nhân chính của giảm XK gạo từ quý II là do chưa ký tiếp được các hợp đồng tập trung từ một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia để dẫn dắt thị trường. Đó là chưa kể, thị trường chịu áp lực giảm giá từ việc Thái Lan bán gạo tồn kho với giá thấp. Hơn nữa, phía Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc XK gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi. Quá phụ thuộc vào một số thị trường, trong đó có Trung Quốc, thiếu sản phẩm gạo chất lượng cao đang là thực tế của ngành hàng gạo Việt Nam và điều này tác động rõ rệt đến sản lượng cũng như kim ngạch XK thời gian qua. “Các quốc gia nhập khẩu hiện đang có nhu cầu cao về loại gạo chất lượng và có giá bán cao nhưng Việt Nam lại đang thụt lùi trong những năm qua tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, kể cả thị trường Nhật Bản cũng không có chỗ cho gạo Việt Nam”, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nêu một thực tế.
Trong khi đó, XK thủy sản cũng đang gặp nhiều gian nan. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK thủy sản giảm do chúng ta gặp quá nhiều rào cản. “Tôm xuất vào thị trường Australia vẫn chưa được nhiều do vướng rào cản về kiểm tra dịch bệnh, mà Australia vẫn chưa công nhận tôm Việt Nam sạch bệnh”, ông nói. Giá cá tra cũng đang sụt giảm. “Có một thực tế là tổng sản lượng nuôi cá tra ban đầu người nói thiếu, người nói thừa, cuối cùng là chúng ta không tiêu thụ nổi. Ngoài thị trường nhiều cá quá, làm không hết. Trong khi nhu cầu về cá tra tại thị trường châu Âu đã giảm thực sự, họ mua vào từ tháng 3/2016 và bây giờ không dám mua tiếp, chỉ giữ lại hàng tồn kho… làm “cầu” yếu đi”, ông Hòe nêu một thực tế và hy vọng nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại vào tháng 9 và 10. Tuy nhiên, để kim ngạch XK thủy sản cán đích như năm ngoái có vẻ là một nhiệm vụ khó khăn.
Rào cản thương mại do các thị trường nhập khẩu dựng lên là một trong những nguyên nhân khiến XK nông sản gặp khó. Vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhưng năm nay nước này thắt chặt việc XK qua tiểu ngạch, thậm chí yêu cầu hàng tiểu ngạch cũng phải đáp ứng các điều kiện như chính ngạch đã khiến nhiều loại nông sản bị ứ đọng ở cửa khẩu. Hai tháng qua, mặt hàng sắn đã bị đóng cửa hoàn toàn tại Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, chia sẻ: Do chúng ta chưa đàm phán chính thức theo đường chính ngạch thì xuất tiểu ngạch cũng cần có cách làm. “Chính do thương lái chúng ta không bảo được nhau và không giỏi như thương lái Trung Quốc nên bị họ ép giá, ví dụ như thịt lợn mỡ giá từ 70.000 đồng/kg hơi xuống 50.000 đồng/kg diễn ra thời gian vừa qua”, ông Dương nói.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết, hiện nay chúng ta chủ yếu XK thô cà phê nhân (lên tới 95% sản lượng). Xuất khẩu cà phê chế biến từ nhiều năm nay vẫn chỉ ở mức 5%, trong khi chế biến sâu tạo giá trị gia tăng rất cao. Ví dụ, giá cà phê nhân chỉ 2USD/kg, trong khi cà phê hòa tan (chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất khẩu) có giá lên tới 10 USD/kg, đơn đặt hàng cũng nhiều.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được việc rang xay chế biến cà phê, nơi tạo ra giá trị gia tăng cao. Đó là chưa kể vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Số nhãn hiệu cà phê chế biến có thương hiệu tốt như Trung Nguyên, Vinacafe, Phương Hà… rất ít. Còn những doanh nghiệp tạo ra cà phê chất lượng kém, cà phê “bẩn” lại rất nhiều, chúng ta không quản lý hết được.
“Tôi đề nghị cần tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở rang xay cà phê trên cả nước như đã làm với phân bón, thức ăn gia súc… để tăng chất lượng cà phê rang xay”, ông Tự nói.
Tiếp tục tìm kiếm thị trường
Để thoát khỏi sự sụt giảm và khó khăn về “đầu ra” hiện nay, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, trong những tháng tới, cần phải tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, đẩy lùi vấn nạn kháng sinh, tạp chất trong tôm và tăng diện tích, sản lượng lúa nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong thời gian qua; đến cuối tháng 11/2016 sẽ xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam và đầu năm 2017 sẽ thi logo để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam. Sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là cho mặt hàng gạo tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và thị trường châu Phi. Đặc biệt, cần phải tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật theo hướng chủ động, tiếp cận các thị trường đang tăng cường rào cản như Mỹ (đối với cá tra và chè). Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức đoàn công tác sang Mỹ vào tháng 11/2016 để vận động Hạ nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết của Thượng nghị viện Mỹ về việc dừng triển khai chương trình thanh tra cá da trơn theo Luật Nông trại (Farm Bill 2014).
Bên cạnh đó, rà soát kết quả đàm phán các FTA, xây dựng kế hoạch cụ thể để phổ biến cho doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt các lợi thế, nhất là nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để có thể tối đa hóa các ưu đãi do các hiệp định mang lại, từ đó mở rộng thị trường. Để “hồi sức” cho doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đề nghị tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng và thuế.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản tháng 6 ước đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 6 tháng đầu năm 2016 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,33 tỷ USD, giảm 0,1%.