Nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, thời gian qua đã sáng tạo nhiều giải pháp mở hướng phát triển tốt.
Sau đây xin giới thiệu hai giải pháp điển hình: Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 vụ không thay nước và xử lý nước thải thủy sản bằng nuôi trai điệp kết hợp vi tảo cùng lợi khuẩn.
Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 vụ không thay nước
Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành công “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS)”. Mô hình này tái sử dụng nước hoàn toàn (3 vụ nuôi tôm không thay nước), thực sự thân thiện với môi trường. Cùng với hạn chế sử dụng nước còn hạn chế chất thải; dùng vi sinh tự nhiên, đảm bảo an toàn sinh học, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Áp dụng được cho nhiều quy mô từ nông hộ đến doanh nghiệp, thích hợp với mọi vùng khác nhau, cả ở khu vực thành thị và xa biển.
Nguyên tắc ở đây, nuôi tôm theo hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài, kín, hiện đại. Tôm được bổ sung thức ăn tự nhiên thay thế thức ăn công nghiệp; giảm thiểu sử dụng khoáng, hóa chất, không dùng thuốc kháng sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả giảm FCR, chất lượng tôm tư nhiên, sản phẩm tôm được tăng cường mùi vi, màu sắc.
Mô hình được nghiên cứu với các quy mô khác nhau là 10m3, 40m3, 100m3 và 500m3 tại khuôn viên Trường Thủy sản ở thành phố Cần Thơ. Tiếp đó, mở rộng thực hành tại Cơ sở thực nghiệm của Trường Thủy sản ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Tôm thẻ chân trắng nuôi trong hệ thống tuần hoàn CTU-RAS với mật độ 250-400 con/m3. Kết quả, tỷ lệ tôm sống đạt trên 85%; hệ số thức ăn dao động từ 1,08 – 1,14; năng suất đạt 4-6 kg/m3 (tương đương 40 – 60 tấn/ha/vụ).
Qua nghiên cứu và thực nghiệm, Trường Thủy sản đã làm chủ được công nghệ, và công nghệ đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Vừa qua, Trường đã tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ cho một số địa phương và doanh nghiệp nuôi tôm.
Hiện nay, Trường vẫn sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu. Mong muốn của các nhà khoa học là góp phần mở rộng sản xuất, phát triển hiện đại và bền vững nghề nuôi tôm trong bối cảnh mới.
Nhiều mô hình giúp cải tiến chất lượng môi trường nuôi tôm
Xử lý nước thải thủy sản bằng nuôi trai điệp kết hợp vi tảo và lợi khuẩn
Các nhà khoa học ở Trường Thủy sản thuộc Trường Đại học Cần Thơ cũng giới thiệu, Tạp chí quốc tế Nature đã công bố kết quả nghiên cứu việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản bằng nuôi trai điệp Hyriopsis cumingii kết hợp vi tảo Chlorella và lợi khuẩn Bacillus. Kết quả có giá trị tham khảo rất tốt trong việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Đặc điểm của nước thải từ ao nuôi trồng thủy sản là hàm lượng nitơ (N) và phospho (P) cao. Các hợp chất này được xử lý khá tốt bằng hệ thống nuôi trai điệp/tảo/Bacillus.
Ở mô hình này, nitơ và phospho sẽ được vi tảo Chlorella vulgaris hấp thu để phát triển sinh khối, và vi tảo này là nguồn thức ăn cho trai điệp Hyriopsis cumingii. Trong khi đó, Bacillus subtilis và B. licheniformis cải thiện enzyme tiêu hóa của trai điệp.
Mật độ thả của trai điệp khoảng 4 cá thể/m3, mật độ của của B. subtilis, B. licheniformis, và tảo C. vulgaris tương ứng là 0,5; 1 và 2 mL. Hiệu quả xử lý trong mô hình trai điệp/tảo/Bacillus có khả năng xử lý 94,7% NH3-N, 92,9% TP và 77,8% COD sau 6 ngày.
Đối với thực nghiệm trên sông: 90.000 cá thể trai/ha được thu hoạch và NH3-N, TN, TP và COD duy trì ở mức 0,3; 0,8; 0,3, và 30 mg/L tương ứng sau 35 ngày vận hành.
Hệ thống trai điệp/tảo/Bacillus được đánh giá là rất hiệu quả trong việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản. Nên các nhà khoa học ở Trường Thủy sản cho rằng, kết quả có giá trị khoa học tham khảo tốt, có thể cải tiến phù hợp với điều kiện vùng ĐBSCL. “Thực hiện mô hình này vừa xử lý được nước thải từ các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh vừa thu được lợi nhuận từ nguồn nước thải”, các nhà khoa học nhấn mạnh.