Tại Cà Mau, hàu được nuôi rãi rác nhiều nơi nhưng quy mô lớn tập trung ở địa bàn xã Đất Mũi của huyện Ngọc Hiển. Nơi ấy, chỉ riêng Hợp tác xã (HTX) nuôi hàu lồng xã Đất Mũi đã có tới 33 hộ xã viên nuôi hàu với 23 bè (hơn 500 lồng hàu). Những ngày gần đây, hàu nuôi thương phẩm của HTX này xảy ra hiện tượng chết hàng loạt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hôn, Giám đốc HTX nuôi hàu lồng xã Đất Mũi, đã có hơn 50% sản lượng hàu nuôi gần đến thời điểm thu hoạch nhưng hàu bị chết, tổng số lượng hơn 70 tấn, thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trước tình hình hàu chết bất thường, HTX nuôi hàu Đất Mũi gởi mẫu hàu chết đến cơ quan chuyên môn. Trong khi chờ kết quả nguyên nhân hàu chết để có giải pháp khắc phục, các xã viên HTX nuôi hàu Đất Mũi gặp khó trong việc tái sản xuất, đang rất cần sự tiếp sức về vốn từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên hàu nuôi lồng ở Đất Mũi bị chết bất thường. Vài năm trước, thời điểm giao mùa mưa, nắng, hàu nuôi ở Đất Mũi cũng bị chết hàng loạt. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phải cầu cứu Phân Viện nghiên cứu Nam Sông Hậu. Qua khảo sát thực tế và các mẫu kiểm nghiệm, chuyên gia từ Phân Viện nghiên cứu nêu trên không phát hiện tác nhân vi sinh có khả năng gây chết cho hàu. Tuy nhiên, chuyên gia nghi ngờ hiện tượng hàu chết do bị sốc môi trường. Cụ thể, sau đợt nắng kéo dài xuất hiện mưa làm độ mặn trong nước giảm đột ngột. Đó có thể là nguyên nhân khiến sức đề kháng của hàu bị suy yếu, làm giảm khả năng thích nghi với môi trường mới khiến hàu bị chết.
Trong khi chờ kết quả phân tích từ chuyên gia, cơ quan chức năng Cà Mau khuyến cáo người nuôi hàu địa phương: thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp phòng, tránh khi có mưa nhiều làm cho môi trường thay đổi lớn. Hàu cần được nuôi những nơi xa cửa sông, tránh ảnh hưởng trực tiếp của nước mưa đổ ra gây sốc; có kế hoạch nuôi và thu hoạch hàu trước khi vào mùa mưa để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi từ môi trường mang lại.