Đang có hàng trăm container cá tra bị kẹt tại các cảng ở Mỹ, để chờ phía FDA kiểm tra các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tần suất kiểm tra đang được FDA áp dụng là 20% lô hàng, nghĩa là doanh nghiệp xuất vào 100 container, thì bị giữ lại 20 container để kiểm tra. Đây là tình huống cam go, gây khó khăn lớn đến tiến độ xuất khẩu.
Để tránh bị đứt hàng do bị giữ lại thì doanh nghiệp phải liên tục đưa hàng sang để luân chuyển, vừa tốn chi phí lưu kho, phí kiểm tra và rủi ro bị trả về cao.
Một số doanh nghiệp cho biết phí kiểm một container lên đến 10.000 USD, chứ không chỉ có 7.000 – 8.000 USD và thời gian bị giữ lại nhanh nhất là một tuần, chậm là mười ngày làm việc. Hiện nay, một vài doanh nghiệp xuất khẩu số lượng lớn có tới hàng trăm container phải “xếp tài” ở cảng chờ FDA lấy mẫu. Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, mà khách hàng cũng đang sử dụng biện pháp tăng cường ký hợp đồng, để có hàng gối đầu đưa ra thị trường. Tình hình này đẩy giá cá tra tại thị trường Mỹ tăng lên trung bình trên 3 USD/kg.
Tình trạng khó khăn thể hiện qua kết quả xuất khẩu bốn tháng đầu năm vào Mỹ giảm tới 25%, đạt 84,532 triệu USD, theo thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam. Trung Quốc vẫn dẫn đầu thị phần với 101,396 triệu USD, tăng 56,2% trong tổng doanh số 507,071 triệu USD xuất khẩu toàn ngành.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang, nói ngoài những loại kháng sinh phổ biến như Salmonella, Malachite Green/Leuco Malachite Green, Enrofloxacine/Ciprofloxacine, Crystal Violet/Leuco Crystal Violet và Nitrofurazone (SEM), gần đây, con cá tra còn dính dư lượng Chlorpyrifos, một loại thuốc bảo vệ thực vật. Đây là hoạt chất đang bị FDA kiểm tra gắt gao do trước đó họ đã phát hiện ở một số lô cá tra của Việt Nam.
“Vừa qua chúng tôi kiểm tra mười ao thì dính cả mười, trong đó có phát hiện cả dư lượng Chlorpyrifos. Hỏi người nuôi cá thì họ nói không sử dụng, có ông còn nghi ngờ nhiễm từ nguồn nước sản xuất lúa!”, vị giám đốc trên nói.
Để giảm thiểu tối đa các rủi ro, ngoài quy định đang được cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (NAFIQAD) kiểm tra 100% lô hàng cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện lấy mẫu cá ở 100% các ao nuôi đem về phòng thí nghiệm kiểm tra. Nếu ao nào không đạt, doanh nghiệp buộc người nuôi phải dừng lại, chờ con cá đào thải hết kháng sinh, chất cấm mới tiến hành bắt. Theo đánh giá, những biện pháp này cũng không đảm bảo an toàn tuyệt đối, vì máy móc thiết bị ở Việt Nam “không đủ năng lực” kiểm tra độ chính xác tới phần tỉ như Mỹ.