Một cơ sở nuôi tôm chân trắng ở Thừa Thiên – Huế mặc dù chưa đầy đủ các hệ thống cơ sở hạ tầng về điều kiện xử lý nước thải nhưng vẫn vô tư thả giống và thu hoạch tôm, trong khi các ngành chức năng không hề xử lý.
Đó là cơ sở nuôi tôm chân trắng của 2 ông Nguyễn Văn Phước và ông Huỳnh Quang Việt tại thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế).
Theo quy định về quy trình cấp phép hồ nuôi có đủ điều kiện, trước hết các hộ nuôi tôm chân trắng phải có đơn đăng ký, sau đó Chi cục Nuôi trồng Thủy hải sản và Phòng Nông nghiệp huyện sẽ đến tận hồ kiểm tra đã đủ điều kiện hay chưa. Nếu đủ điều kiện, Chi cục Nuôi trồng thủy sản mới có biên bản đánh giá hiện trạng và biên bản đủ điều kiện nuôi.
Tuy nhiên thừa nhận với PV, ông Huỳnh Quang Việt cho biết, ngoài việc được chủ đất cho phép sử dụng đất để phục vụ làm ao hồ thì việc nuôi tôm ông chưa xin phép cơ quan chức năng nào. Hiện tại, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Việt có 18 ao nuôi.
Mặc dù với số lượng ao luôn lớn như vậy, nhưng có mặt tại khu vực này, theo quan sát của PV, hệ thống hồ lắng nước thải của hồ tôm hết sức sơ sài. Dòng nước đen ngòm từ hồ tôm được xả thẳng trực tiếp ra khu vực bãi biển gần đó với mùi hôi tanh đặc trưng.
Hồ lắng nước thải sơ sài của cơ sở nuôi tôm.
Anh Nguyễn Văn Thạch (SN 1982), trú ở thôn Phú Hải, một ngư dân thường xuyên đặt đáy bắt cá ở khu vực gần nước thải của hồ tôm bức xúc, việc nước thải màu đen từ hồ ra khiến nhiều hộ dân rất lo lắng vì nó có mùi hôi. Vấn đề này, nhiều người dân trong thôn đã có kiến nghị gửi UBND xã nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.
Dòng nước đen ngòm từ hồ tôm xả thẳng ra biển.
Ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc chia sẻ, một hồ nuôi tôm phải đảm bảo hệ thống hồ lắng nước thải trước khi xả thẳng ra môi trường. “Nếu có phản ánh từ phía xã, đơn vị sẽ trực tiếp phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện về kiểm tra khu vực này ngay”, ông Trọng nói.