Dự án "Nâng cao năng lực và hoàn thiện khung pháp lý cho mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam" là dự án tiếp nối của Hợp phần Sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (LMPA) thuộc Chương trình Môi trường, hợp tác Việt Nam - Đan Mạch (DCE) do DANIDA tài trợ (2005 - 2010). Mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ khung pháp lý, từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách cho việc hình thành mạng lưới khu bảo tồn biển (KBTB) thông qua haiđầu ra chính là đề xuất phát triển các chính sách mới, các hướng dẫn trong việc quản lý có hiệu quả các KBTB và nâng cao năng lực quản lý thông qua tập huấn, đào tạo cho các Ban quản lýKBTB. Dự án sẽ đóng góp đáng kể vào sự hình thành và phát triển của mạng lưới KBTB và thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg, ngày 26/5/2010, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, kế thừa và duy trì những kết quả tốt nhất từ các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững của Hợp phần LMPA trước đây.
Những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án chính là: 1/Các nhà quản lý làm công tác quản lý bảo tồn biển có thêm công cụ quản lý là hệ thống các văn bản quy định chặt chẽ trong việc thiết lập thể chế và quản lý hệ thống cácKBTB; 2/ Các cán bộ quản lý các cấp trong lĩnh vực bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại, cán bộ thuộc Ban Quản lý các KBTB, ngư dân và cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh các KBTB được đào tạo về các kỹ năng quản lý, phát triển bền vững và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển.
Sau một năm thực hiện (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013), với sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan quản lýcủa Bộ, của Tổng cục Thủy sản, Ban quản lý Dự án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý KBTB, các Vườn Quốc gia và các cơ quan báo chí, truyền thông, Dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Dự án đã góp phần củng cố và hoàn thiện các hướng dẫn về việc thành lập, hoạt động bảo tồn biển Việt Nam, hỗ trợ xây dựng Thông tư quy định Tiêu chí lựa chọn và thiết lập một KBTB và Thông tư hướng dẫn thành lập, quản lý KBTB và quy định về thu phí bảo tồn biển. Dự án đã tổ chức 5 lớp tập huấn tăng cường kiến thức và kỹ năng cho cán bộ và nhân viên của các KBTB, 3 khóa đào tạo kỹ thuật tại chỗ cho khoảng 750 cán bộ và tổ chức 6 chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở cấp tỉnh. Qua các hoạt động của Dự án, năng lực quản lý củacác cán bộ và lãnh đạo của các khu bảo tồn biển ở các địa phương có KBTB được nâng cao. Đây là những kết quả rất khả quản, góp phần tích cực trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho việc củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới khu BTB Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện báo cáo tổng kết Dự án, trong đó nêu lên những khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm thực tế ở các khu bảo tồn biển đã và đang được thành lập. Các đại biểu cũng đề xuất tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn biển đối với một số KBTB mới, sắp được thành lập trong thời gian tới.
Kết thúc Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền đánh giá cao những kết quả của Dự án và chỉ đạo tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và các quy định về bảo tồn biển, bổ sung tiêu chí thành lập khu bảo tồn quốc gia. Phối hợp với địa phương nhân rộng mô hình Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với phương châm “Giá trị sinh kế sinh ra từ bảo tồn”. Đồng thời, tích cực triển khai các dự án quy hoạch theo Quyết định 742, kiến nghị đề xuất cơ cấu tổ chức ban quản lý các KBTB ở địa phương. Trong thời gian tới, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sinh sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển, phối hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái bền vững.