HTX Nông nghiệp Sông Hồng có trụ sở ở xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) là mô hình HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX 2012. HTX thành lập tháng 10/2016, có 10 thành viên, chuyên sâu các ngành nghề trồng trọt và chăn nuôi công nghệ cao.
Hồ nuôi tôm công nghệ sạch
Ông Lê Văn Tám, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sông Hồng cho biết, tiếp tục theo chiến lược phát triển HTX gắn với các mô hình sản xuất công nghệ cao, dự án nuôi tôm càng xanh được HTX ấp ủ từ lâu. Và để thực hiện, HTX đã trải qua quá trình dài khảo sát thị trường, tìm kiếm mô hình và công nghệ nuôi trồng thủy sản.
Giám đốc HTX Lê Văn Tám kể rằng: “Từ đầu năm nay, HTX mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh công nghệ vi sinh. Tôi đã trực tiếp vào các tỉnh phía Nam và mời Chuyên gia vi sinh học Hồ Văn Thắng và đội ngũ cộng sự từ Tp. HCM ra Hà Nội, cùng với HTX hợp tác chuyển giao, hướng dẫn quy trình công nghệ vi sinh học nuôi tôm càng xanh.”
Theo nội dung dự án thử nghiệm này, việc ứng dụng công nghệ vi sinh học trong nuôi tôm thương phẩm là giải pháp số 1 để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Sản phẩm tôm càng xanh trong nước hiện có giá trị thương mại lớn, bởi con tôm này là nguồn thực phẩm được nhiều người ưa chuộng, có giá trị dinh dưỡng cao. Và đáng lưu ý hơn, nguồn tôm càng xanh trên thị trường phía Bắc chủ yếu nhập từ các tỉnh phía Nam.
Các hồ nuôi tôm càng xanh ngoài Bắc hiện mới phổ biến sử dụng công nghệ “chân vịt quạt nước lấy oxy cho tôm” theo truyền thống. Và không có nhiều cơ sở như HTX Sông Hồng áp dụng công nghệ vi sinh với bộ thiết bị sục khí 24/24, để tạo môi trường nước nuôi tôm sạch, thậm chí có thể uống được an toàn vì quy trình không sử dụng bất cứ thuốc thu y nào.
Tại HTX hiện nay, tổ nhân công nuôi tôm được hướng dẫn quy trình chăm sóc và kiểm tra con tôm suốt cả ngày và đêm, từ đó đánh giá và điều chỉnh kịp thời môi trường nước, lượng thức ăn phù hợp.
Theo dự án, nếu không tính vốn cố định đầu tư cải tạo hồ nuôi bán kiên cố, thì HTX Sông Hồng phải chi thêm vốn lưu động gần 200 triệu đồng, gồm chi phí chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật, mua sắm bộ thiết bị sục khí, mua con giống và thức ăn chăn nuôi…
Hạch toán tiêu thụ tôm càng xanh tại thị trường Hà Nội hiện đang dao động theo kích cỡ con tôm, có thể bán giá 620.000đ/kg (12 con), 520.000đ/kg (15 con) và dưới 450.000đ/kg (20 – 30 con). HTX dự kiến gần 4 tháng nữa (giáp Tết) sẽ thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng 3,5 tấn tôm, bình quân giá bán 350.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Đặt cược vào công nghệ cao
Giám đốc HTX Lê Văn Tám nói: “Bắt tay vào khởi động dự án mới nuôi trồng thủy sản này, HTX tiếp tục con đường nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực sự HTX đang đặt cược vào dự án thử nghiệm này…Đây là công nghệ nuôi tôm vi sinh mới nhất ở phía Bắc hiện nay. Nếu dự án thành công, sang năm 2018, HTX Sông Hồng tự tin đầu tư nhà màng khép kín nuôi tôm với quy mô gấp 4 lần hiện nay”.
Giai đoạn trước đây, HTX Sông Hồng đã hoàn thành dự án đầu tư khai thác 6 modul nhà phủ màng công nghệ cao Israel, rộng khoảng 1.500m2 chuyên sản xuất rau củ quả sạch theo hướng hữu cơ.
Cũng từ dự án rau quả này, HTX Sông Hồng đã liên kết với HTX Hoa Phong (Đông Triều, Quảng Ninh) để thành lập Liên hiệp HTX Hoa Phong – Sông Hồng. Đến nay, Liên hiệp đã được Sở KH&ĐT Tp.Hà Nội cấp giấy đăng ký kinh doanh chính thức vận hành, trong đó HTX Sông Hồng làm “trụ cột” tiêu thụ nông sản phẩm sạch vào thị trường Hà Nội.
Theo ông Lê Văn Tám, khoảng 5 tháng nay, Liên hiệp HTX Hoa Phong Sông Hồng đã mở bán Cửa hàng nông sản tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mặc dù đó là bước khởi đầu ý nghĩa, song HTX và Liên hiệp HTX còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn.
HTX Sông Hồng tiếp tục kiến nghị UBND thành phố, các sở ngành và huyện Đông Anh hỗ trợ HTX Sông Hồng và Liên hiệp HTX Hoa Phong Sông Hồng có đất đai làm trụ sở giao dịch và mặt bằng kinh doanh, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng gấp đôi khu nhà màng, xây dựng khu nhà sơ chế, chế biến, kho lạnh, nhằm bảo đảm đầy đủ và kịp thời nguồn nông sản thực phẩm an toàn cung ứng vào nội đô Hà Nội.