Được nhiều nước áp dụng
Hợp tác xã (HTX) là loại hình kinh tế tập thể khá phổ biến, hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. HTX trong lĩnh vực thủy sản là cách nhằm tối đa hóa dài hạn lợi ích cộng đồng để đối phó với các mối đe dọa từ quản lý yếu kém, tình trạng bấp bênh của những sinh kế phụ thuộc vào nghề cá và đói nghèo - thực tế khắc nghiệt đối với nhiều ngư dân quy mô nhỏ trên thế giới.
Mô hình HTX thủy sản ở một số quốc gia thường hoạt động với mục đích để tránh việc mua trực tiếp từ ngư dân và bán lại những sản phẩm bất cứ nơi đâu bởi những rủi ro nặng nề có liên quan. Những rủi ro này có thể được giảm thiểu nếu các sản phẩm thủy sản được bán trên thị trường dưới sự quản lý độc quyền của HTX.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia đang phát triển mô hình HTX thủy sản như Ấn Độ, Nhật Bản... Hiện, Ấn Độ có 14.620 HTX thủy sản, với 2,2 triệu thành viên trong lĩnh vực nghề cá. Những xã viên của HTX đang được Liên đoàn quốc gia HTX nghề cá Ấn Độ (Cơ quan cấp quốc gia cao nhất của phong trào HTX nghề cá ở Ấn Độ) đào tạo kỹ thuật và hỗ trợ nhiều lợi ích khác như: chương trình bảo hiểm tai nạn theo nhóm, bảo hiểm y tế nhằm giúp cho xã viên vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro, giúp đỡ ngư dân thông qua hệ thống tiêu thụ cá và các sản phẩm cá tại các cửa hàng bán lẻ, chuyển giao công nghệ cho xã viên, đào tạo nguồn lao động cho ngư nghiệp…
Còn ở Nhật Bản, Liên đoàn HTX nghề cá Nhật Bản (FCA) được cải tổ từ những năm 1990 bằng cách sát nhập các doanh nghiệp, nhằm theo kịp những thay đổi về mặt quản lý do sự suy giảm của ngành công nghiệp đánh bắt, lạm phát kéo dài và cải cách tài chính... Tính đến năm 2004, FCA đã có 1.476 HTX thủy sản địa phương ven bờ và 878 HTX của các ngư dân trong vùng nước nội địa.
Thành công rực rỡ ở Hàn Quốc
Kể từ khi thành lập vào năm 1962, Liên đoàn quốc gia HTX nghề cá Hàn Quốc (KNFC) đã thiết lập mạng lưới HTX từ trung ương đến cơ sở với mục tiêu nâng cao địa vị xã hội, kinh tế của ngư dân, tăng năng suất của ngành công nghiệp thủy sản cũng như thu nhập của các hộ gia đình. Trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển, cho đến nay, hệ thống KNFC đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của ngư dân, chiếm 71% sản xuất thủy sản tại Hàn Quốc.
Một gian hàng thủy hải sản phong phú tại Busan, Hàn Quốc
Ông Chung Man Hwa - Chủ tịch Viện Kinh tế thủy sản, KNFC cho biết, ngành công nghiệp thủy sản Hàn Quốc phát triển vững chắc dựa vào ba trụ cột: làng chài - ngư dân - đánh bắt. Chính phủ Hàn Quốc luôn xác định hỗ trợ ngư dân trong nhiều hoạt động giúp ngành đánh bắt thủy sản bền vững và an toàn như: vay vốn thông qua tín dụng hỗ tương, mua bảo hiểm cho tàu cá và thủy thủ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, cung cấp thông tin và trang thiết bị đánh bắt, cung cấp nguyên liệu và dịch vụ hậu cần ngay trên biển cũng như hỗ trợ hoạt động đánh bắt an toàn… Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc luôn đặc biệt hỗ trợ vốn cho ngư dân, đặc biệt là những xã viên trong HTX. Được biết, từ năm 2008, thu nhập của các hộ gia đình ngư nghiệp ở Hàn Quốc vượt thu nhập của các hộ làm nông nghiệp (khoảng 747 triệu VNĐ/590 triệu VNĐ).
KNFC không chỉ có nhiều nỗ lực để bảo vệ ngư dân khỏi việc dễ bị tổn thương kinh tế, các quyền, lợi ích của họ dựa trên tinh thần hợp tác tự cung tự cấp, trách nhiệm cá nhân, dân chủ và bình đẳng, mà còn góp phần vào sự phát triển cân bằng của nền kinh tế Hàn Quốc trong việc cung cấp thực phẩm an toàn cho tất cả các công dân nước này.
Trong thời gian khủng hoảng tài chính năm 2008, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xác định, HTX là mô hình hiệu quả nhất, hơn các mô hình khác trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng như vậy. Tuy nhiên, bất chấp những thành quả đạt được, ngành công nghiệp thủy sản vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có do giá xăng dầu ngày càng tăng cao, nguồn lực suy giảm nhanh chóng, đại dương bị ô nhiễm và nóng lên toàn cầu - một sản phẩm của công nghiệp hóa. Để vượt qua những cuộc khủng hoảng, sự cần thiết đối với tất cả các HTX chính là tiếp tục tăng cường các biện pháp hợp tác và chia sẻ trí tuệ tập thể.
>> “Hợp tác xã là một lời nhắc nhở đến cộng đồng quốc tế rằng, mô hình này có thể theo đuổi cả hai mục tiêu là khả năng kinh tế và trách nhiệm xã hội”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định.