Năm 2012 là năm đầy sóng gió với người NTTS ở xã Đông Mỹ. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Lê Mạnh Chiến cho biết, toàn xã có 110ha NTTS, cung cấp cho thị trường khoảng 700-800 tấn cá/năm. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cho người nuôi gặp khó khăn, nhiều hộ mất trắng cả ao cá hoặc chỉ thu hoạch được một nửa so với mọi năm. Chị Nguyễn Thị Thùy cho biết, khoảng 4-5 năm nay, cứ vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 7 là cá chết nhiều, đặc biệt là cá rô phi. Với diện tích nuôi 1ha, mỗi năm chị thả từ 6 đến 8 vạn cá giống, nếu không có dịch bệnh thì mỗi lứa thu được từ 4 đến 5 tấn cá nhưng năm nay chỉ còn 5-6 tạ/lứa. Vụ tháng 7 vừa qua, trang trại thả 10 triệu đồng tiền cá giống nhưng không thu hồi được vốn vì cá chết đến 99%. Người NTTS ở đây mang cá đến nhiều nơi để xét nghiệm nhưng không xác định được nguyên nhân. Một số hộ nuôi đã mua hàng chục triệu đồng tiền thuốc kháng sinh để xử lý nhưng vẫn không ngăn được dịch bệnh.
Không những thế, mọi chi phí đầu vào năm nay đều tăng, trong đó có giá cám và thuốc thú y, tính chung người nuôi đã lỗ từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg. Cùng chung cảnh ngộ với chị Thùy, trang trại nuôi cá thịt của chị Phạm Thị Chung cũng thiệt hại nặng nề. Chị Chung xót xa: Từ đầu năm đến nay, cá chết khá nhiều khiến thiệt hại không nhỏ. Mọi năm, chỉ chết cá rô phi nhưng năm nay các loại cá như trắm, chép… đều chết. Hiện trang trại đã thiệt hại hơn 1 tấn cá thương phẩm với số tiền hàng chục triệu đồng. Nếu thời gian tới tình trạng này không được xử lý, chắc chắn Tết Nguyên đán này trang trại thất thu vì dịch bệnh.
Chủ nhiệm HTX dịch vụ và thủy sản Đông Mỹ Nguyễn Văn Báu cho biết: Các hộ dân NTTS ở đây đang lo lắng, đứng ngồi không yên vì cá chết. Các hộ NTTS ở Đông Mỹ rất mong các cơ quan chuyên môn của thành phố vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp giúp nông dân chữa trị. Đề nghị cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật trong NTTS để người nuôi tiếp cận với phương pháp nuôi an toàn, cách xử lý ao nuôi khi cá bị dịch bệnh. Đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ, giúp người nuôi cầm cự trong lúc dịch bệnh này và cho vay vốn để phục hồi sau này.
Qua kiểm tra thực tế tại các ao nuôi thủy sản trong huyện đã có hiện tượng cá bị chết rải rác, bước đầu nghi do môi trường nuôi bị ô nhiễm. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Đặng Thị Hiền, huyện đã chỉ đạo các địa phương và người dân khi thấy cá chết phải báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Người nuôi cần vớt hết cá chết trong ao để xử lý, không bỏ cá chết xuống mương máng để dịch bệnh lây lan; bổ sung kháng sinh doxycyline vào thức ăn cho cá và cho ăn liên tục trong 5-7 ngày, đồng thời dùng vôi bột khử trùng ao nuôi. Đối với các ao lấy nước trực tiếp từ các nguồn nước có khả năng gây ô nhiễm (từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch…) các hộ cần có ao lắng để xử lý nguồn nước trước khi lấy nước vào ao nuôi thủy sản. Đối với các ao sắp thu hoạch, khi có nguy cơ dịch bệnh, UBND xã khuyến cáo người dân thu hoạch để giảm thiệt hại.