Cụ thể, xuất khẩu thủy sản giảm 11%, bán thủy sản nội địa giảm 25% và kinh doanh bánh dầu đậu nành giảm 6%. Mặc dù đã hợp nhất kim ngạch xuất khẩu tôm của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) từ quý II, nhưng hoạt động kinh doanh xuất khẩu thủy sản của HVG vẫn có mức sụt giảm 11% do kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh 33%. Tổng biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm giảm 1,2% xuống mức 7,4%, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp của hoạt động xuất khẩu thủy sản và thức ăn cho cá giảm. Lợi nhuận gộp giảm 12% và đạt 529 tỷ đồng
Bên cạnh đó, do nhu cầu đầu tư/mở rộng sản xuất, HVG tăng vay nợ để đáp ứng chi phí đầu tư tăng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cuối tháng 6 ở mức 2,6x, tăng khá cao so với mức 1,9x cùng kỳ. Chi phí lãi vay 6 tháng cũng tăng 11%. Thêm vào đó, do không còn khoảng thu từ lợi thế thương mại và thanh lý công ty, doanh thu tài chính 6 tháng giảm 85%.
Đặc biệt, HVG đã chịu lỗ ròng tài chính 148 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 1,2 tỷ đồng. Với sự tụt giảm này, lợi nhuận sau thuế 6 tháng của HVG chỉ đạt khoảng 75 tỷ đồng (giảm 48%). Như vậy, sau 2 quý HVG mới hoàn thành 36% và 16% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Từ kết quả này có thể khẳng định kế hoạch doanh thu 2015 là 20.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) được ĐHCĐ của HVG đặt ra trước đó gặp nhiều thử thách. Ngoài ra, lỗ ròng tài chính ước tăng đáng kể do không còn khoản thu từ lợi thế thương mại và thanh lý công ty con và chi phí lãi vay tăng.
CTCK Maybank KimEng đã điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của HVG giảm còn khoảng 15.612 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng (giảm 15%), EPS năm 2015 ước đạt 1.409 đồng/CP, P/E đạt 11x (cao hơn 10 lần so với trung bình ngành).