Nghiên cứu được thực hiện dựa trên quan sát của các nhà khoa học về cơ chế săn mồi của ốc nón (Conus geographus). Là loài tiết nọc độc nhất trong họ ốc nón, ốc Conus có khả năng phóng chất độc chứa một dạng insulin đặc biệt khiến đường huyết con mồi giảm mạnh và rơi vào trạng thái hôn mê. Lúc này, chúng kéo lại gần miệng và sử dụng chất độc khác tiếp tục làm tê liệt con mồi.
Trong nghiên cứu hồi năm 2015, tác giả Daniel Hung-Chieh Chou và đồng nghiệp nhận thấy nọc độc từ ốc nón chứa insulin có nhiều đặc điểm sinh hóa tương tự hoóc-môn insulin của con người, thậm chí hoạt động nhanh hơn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện insulin của loài ốc nói trên không có thành phần giúp tổng hợp, lưu trữ như insulin trong tuyến tụy ở người. Cấu trúc đặc biệt này có thể là nguyên nhân tạo ra tác dụng tức thì của phân tử insulin.
Với ý tưởng tạo ra một loại insulin giúp nhanh cân bằng chỉ số đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, nhóm của Tiến sĩ Chou đã kết hợp một số thuộc tính có lợi từ insulin ốc biển với hợp chất của người, tạo ra dạng insulin “lai” có thể làm giảm nhanh lượng đường trong máu mà không để lại tác dụng phụ lâu dài. Trong các thử nghiệm trên chuột, phân tử insulin này đã tương tác với các thụ thể insulin trong cơ thể chuột giống như cơ chế xử lý insulin ở người. Điều này giúp insulin “lai” có hiệu lực tương đương với insulin ở người nhưng tác dụng nhanh hơn.
Đồng tác giả Helena Safavi cho biết, insulin tác dụng nhanh giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết và các biến chứng nghiêm trọng khác ở bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ vậy, nó cũng có thể cải thiện hiệu suất của máy bơm insulin hoặc thiết bị cấy ghép tuyến tụy nhân tạo.