Vẫn ở mức “báo động đỏ”
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc Nhật Bản áp dụng mức dư lượng 0,01ppm đối với Ethoxyquin và kiểm tra 100% các lô hàng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản của Việt Nam đã khiến cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nhiều biện pháp loại bỏ, thay thế Ethoxyquin đã được đưa ra nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
Ông Bùi Đức Quý – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định (Bộ NNPTNT) cũng cho biết, Trung tâm đã tìm ra 2 chất có thể thay thế Ethoxyquin trong bảo quản thức ăn thủy sản gồm BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Buty lated Hydroxyl Toluence). Tuy nhiên, giá mua chất này khá đắt so với Ethoxyquin và cũng đang nằm trong diện “cảnh báo” của một số nhà khoa học về ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu lạm dụng.
Hy vọng mong manh
Trước nguy cơ mất thị trường lớn nhất của sản phẩm tôm Việt Nam, giữa tháng 11 vừa qua, Bộ NNPTNT đã cử đoàn đại biểu sang làm việc trực tiếp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản.
Theo đó, đoàn đã đề nghị Nhật Bản xem xét để nâng hạn mức dư lượng Ethoxyquin lên một cách hợp lý, tương thích với tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám – đại diện đoàn Việt Nam cho biết, kết thúc chuyến làm việc, cơ quan chức năng Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Đại diện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, Ủy ban An toàn thực phẩm Nhật Bản đã xem xét những vấn đề Việt Nam kiến nghị nhưng chưa đưa ra được kết quả cuối cùng.
Theo ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp có thể thông cảm cho đối tác vì họ cũng phải có lộ trình trong sửa đổi các quy định nhằm bảo vệ thị trường và người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nếu chờ quá lâu, người thiệt hại là nông dân và doanh nghiệp Việt Nam do lượng xuất khẩu ít lại, tính cạnh tranh trên thị trường cũng giảm theo.