Nỗi lo dịch bệnh
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi trồng thủy sản tại Quảng Nam đến ngày 17/3 của Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở NN&PTNT Quảng Nam), trên địa bàn tỉnh diện tích trồng thủy sản 5.500 ha, trong đó nuôi tôm khoảng 600 ha, còn lại đối tượng khác. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra hiện tượng tôm nuôi của địa phương và cá tự nhiên ở sông Tam Kỳ chết rải rác.
Trước tình trạng trên, Chi cục Chăn nuôi thú y đã đi lấy 34 mẫu tôm, 1 mẫu cá và 18 mẫu nước ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để đi kiểm tra, qua kết quả phân tích cho thấy có 3/17 mẫu tôm dương tính với virus gây bệnh đốm trắng ở xã Tam Hòa, Tam Hải; 13/17 mẫu tôm dương tính với vi khuẩn có gen gây bệnh hoại tử gan cấp tính ở xã Tam Thanh, Tam Hòa, Duy Thành. 18/18 mẫu nước có tồn tại vi khuẩn vibrio sp, 1 mẫu cá dương tính với vi khuẩn Aeomonas Cavie ở Tam Kỳ.
Còn tại Quảng Ngãi, qua đánh giá về tình hình nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản nước lợ trong năm 2016 cho thấy cũng không mấy sáng sủa khi dịch bệnh lại tiếp tục bủa vây. Toàn tỉnh thả nuôi 1.405ha. Nhưng dịch bệnh trên tôm đã xảy ra tại 11 xã trên địa bàn 4 huyện, thành phố với diện tích hơn 65ha. Số lượng con giống bị thiệt hại khoảng 60 triệu con.
Ngoài ra, dịch bệnh trên tôm hùm cũng đã xảy ra tại huyện đảo Lý Sơn làm chết 460 con; 14 bè nuôi cá bớp trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, số lượng cá chết 14.534 con.
Dịch bệnh khiến tôm, cá chết đồng nghĩa với việc người chăn nuôi phải lâm nợ. Như ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, ông Lương Khang đầu tư khoảng 400 triệu đồng vào 16 sào ao nuôi tôm thế nhưng bị thua lỗ liên tiếp, nợ chồng lên nợ.
Cần có hướng đi bền vững
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại trong nuôi trông thủy sản, như nguồn nước ô nhiễm, nguồn gốc con giống không được kiểm định, lũ lụt càn quyét, giá cả thất thường, thiếu quy hoạch bài bản, hay do người dân đua nhau nuôi ồ ạt bất chấp khuyến cáo của chính quyền…
Tại Quảng Nam, nếu đi dọc theo sông Trường Giang người ta sẽ chứng kiến rất nhiều ô, hồ nuôi tôm bỏ hoang. Bởi vì những năm qua người nuôi tôm liên tiếp bị thất bại.
Thống kê của Phòng Kinh tế các huyện dọc ven biển cho thấy, số nợ từ khoản vay khai thác và nuôi trồng của người dân ở các ngân hàng có thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ người nuôi tôm vay mượn từ các nguồn khác.
Cố bám nghề để mưu sinh, trả nợ, khi thấy dịch bệnh bủa vây, người người nuôi tôm thẻ chân trắng chuyển hướng, tìm cơ hội ở các đối tượng mới như tôm sú, cá bớp, cua hoặc kết hợp tôm và cá. Thế nhưng đầu ra bấp bênh hoặc tiếp tục bị dịch bệnh bủa vây khiến họ luôn đối diện với nhiều rủi ro.
Ông Phạm Minh ở xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: “Tôi dồn tất cả vốn liếng mua hai hồ nuôi tôm, nhưng nuôi càng ngày càng lâm nợ, do tôm chết hoặc giá cả rớt thê thảm. Thế là giờ đây lâm nợ, hai hồ tôm cũng bỏ trơ ra đó”. Nhiều hộ nuôi tôm cùng cảnh ngộ như ông Minh.
Như tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cuối năm 2016, UBND huyện đã phải giải cứu các hộ nuôi cá bớp bằng cách thu mua cá bớp thương phẩm giúp dân xã Bình Đông. Bởi nơi đây có 31 hộ dân nuôi cá bớp không bán được vì giá xuống quá thấp, từ 150.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg.
Trong khi cả xã tồn khoảng 100 tấn cá bớp trong bè đến ngày thu hoạch. Trong khi đó, chi phí thức ăn cho cá bớp 20.000 đồng/con/ngày, nên càng chậm tiêu thụ người nuôi cá càng lỗ nặng.
Tuy nhiên điều đáng mừng nhiều hộ dân vẫn kiên tâm “bám bụ” nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ cho rằng, họ rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ con giống, cho vay ưu đãi, quy hoạch những vùng chuyên canh cho từng loại nuôi trồng, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh cũng như đầu ra cho sản phẩm mang tình vững bên để họ yên tâm nuôi trồng thủy sản. Họ mong muốn nuôi trồng thủy sản phải có hướng đi thật bền vững. Thiết nghĩ đó cũng là nguyện vọng chân chính của bà con.