Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” diễn ra ngày 29/7, hiện nay ngành nông nghiệp ứng dụng CNTT và truyền thông (hay còn gọi là nông nghiệp thông minh), đang trở thành xu thế mới đối với nền nông nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, giúp chủ động hơn trong đối phó với dịch bệnh...
Đặt trong bối cảnh đó, ông Ngô Văn Hùng, Tổng thư ký Hội đồng khoa học, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay tại Việt Nam, nhu cầu ứng dụng trong nông nghiệp cũng đang được đẩy mạnh.
Việc ứng dụng phần mềm, CNTT kết hợp với công nghệ điện tử, viễn thông, tự động hoá giúp tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư chính xác; giúp thực hiện các bài toán dự báo lũ, ngập lụt; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, dự báo thị trường nông sản…
Thời gian qua, hội nông dân một số tỉnh thành đã tích cực triển khai nhiều dự án ứng dụng CNTT để cung cấp kiến thức về khoa học công nghệ, ứng dụng vào phục vụ sản xuất, nuôi trồng. Ví dụ tại Cà Mau, Hội Nông dân của tỉnh đã triển khai dự án ứng dụng CNTT để cung cấp kiến thức về khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, nuôi nuôi tôm sú, cua, cá chình, nuôi gà sao, lợn rừng, trồng cây ăn quả, rau màu… Sau 5 năm triển khai dự án “Ứng dụng CNTT cho cán bộ, đoàn thể và nông dân” tại 71 xã thuộc địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau đã trang bị cho nông dân kiến thức về thông tin công nghệ, ứng dụng vào thực tế. Tính trung bình mỗi năm tỉnh có trên 100.000 hộ nông dân đạt mức thu nhập trung bình từ 60 – 300 triệu đồng/năm, có hộ trên 1 tỷ đồng/năm.
“Nông nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ dựa vào kinh tế hộ gia đình, năng suất còn thấp. Do đó việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào nông nghiệp sẽ tạo cơ hội cho người nông dân sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất và giá trị cao hơn”, Tổng thư ký Hội đồng khoa học, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp giới thiệu giải pháp CNTT tại hội thảo. Ảnh: Việt Hải.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, ông Lã Văn Đoàn cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang rất cần các phần mềm hữu ích để hỗ trợ sản xuất. Ví dụ trong trồng trọt đó là phần mềm quản lý, giám sát các chỉ tiêu về không khí, ánh sáng, nước, dinh dưỡng… Trong chăn nuôi là phần mềm hỗ trợ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, dịch bệnh, kiểm soát và đánh giá nhu cầu dinh dưỡng. Ngành nuôi trồng thuỷ sản cần ứng dụng phần mềm hỗ trợ đo nồng độ chất dinh dưỡng, tạp chất trong môi trường nước, tự động đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển…
Tuy nhiên, tại hội thảo, các chuyên gia lưu ý việc ứng dụng CNTT, phát triển phần mềm cho ngành nông nghiệp cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đáp ứng phù hợp nhu cầu đặc thù của từng lĩnh vực để đạt hiệu quả cao nhất khi đi vào ứng dụng thực tế.
Ông Phạm Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ phần mềm thuỷ lợi, Viện Khoa học và Thuỷ lợi Việt Nam (đơn vị đang cung cấp phần mềm quản lý sản xuất lợn giống Mpigs 2.0) lấy ví dụ: Riêng trong sản xuất lợn giống, thống kê sơ bộ hiện đã có một số phần mềm cả trong và ngoài nước được ứng dụng như Vietpig (Viện Chăn nuôi), Herdsman (Canada), Pigchamp (Mỹ), Eassy care (Anh), Pigmania (Australia), Porcitec (Tây Ban Nha)…
Không nêu đích danh nhưng theo ông Quý, mỗi phần mềm đều có thế mạnh riêng tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn tồn tại tình trạng có phần mềm còn nặng tính hàn lâm, tức là đơn vị phát triển nghĩ ra phần mềm gì thì làm phần mềm đó thay vì được phát triển xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của ngành nông nghiệp, gây khó khăn cho việc ứng dụng thực tế. Trong khi đó, phần mềm của nước ngoài còn không ít bất cập như ngôn ngữ chưa phù hợp với điều kiện sản xuất lợi giống Việt Nam, chi phí chuyển giao phần mềm cao.
Ông Ngô Văn Hùng cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cần đẩy mạnh quan tâm, ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng CNTT vào sản xuất. Cần có các nghiên cứu, đánh giá sát hơn về nhu cầu ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và nhu cầu thực tế của hàng chục triệu người nông dân Việt Nam để việc ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất.