Nhận biết tôm hùm đỏ
Tôm hùm đỏ có tên khoa học là Procambarus clarkii. Tại Việt Nam, loài này còn được biết đến với tên gọi khác là tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt. Do toàn thân của chúng có màu đỏ cho tới đỏ sậm nên nhiều người hay gọi là tôm hùm đỏ. Theo Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), có thông tin định danh và xác định loài tôm hùm đỏ là loài giáp xác 10 chân. Loài này xuất hiện và phát tán khắp nơi trên thế giới. Do có màu sắc hấp dẫn nên chúng thường được dùng trong thị trường nuôi cảnh.
Vỏ giáp đầu ngực của tôm hùm đỏ có màu đỏ sậm, đỏ cam hay đỏ nâu, đôi khi màu xanh, vàng trắng hoặc đen. Đầu và ngực được vỏ che kín, bụng có 6 đốt, đuôi hình cánh quạt xòe ra thành 5 phần và có 5 cặp chân khỏe để đào hang. Tôm hùm đỏ có đôi mắt kép nên thị giác rất tốt, 2 cặp hàm rất khoẻ với 3 cặp chân ở hàm dùng để đưa thức ăn vào miệng.
Về kích cỡ, chiều dài tổng cá thể trưởng thành của tôm hùm đỏ có thể đạt 15cm. Trong thời gian sinh trưởng 3-5 tháng, đa số đạt chiều dài từ 5-12cm, trọng lượng từ 30-50gr/con. Cá thể 3 tháng tuổi có thể tham gia sinh sản 2-3 lần/năm (tùy theo điều kiện khí hậu), sức sinh sản cao (1 con 10cm có thể đẻ 500 trứng, chúng có thể đẻ quanh năm tùy theo vùng).
Tôm hùm đỏ sống chủ yếu ở vùng nông nghiệp, sông, hồ, đất ngập nước, chịu được độ mặn nhỏ hơn 12ppt, sinh sản được ở độ mặn 2-3ppt, sống được trong nước bị ô nhiễm. Đây là loài ăn tạp, chúng ăn bất cứ những thứ có thể ăn được như: động vật sống, côn trùng, giun, nhuyễn thể, xác động thực vật phân hủy, mùn bã hữu cơ… Chúng là loài đào hang và trú ẩn trong hang vào ban ngày, ban đêm ra ngoài bắt mồi, giai đoạn lột xác ở trong hang. Trong tự nhiên, tuổi thọ của tôm hùm đỏ là 2-5 năm.
Sức tàn phá đáng sợ
Ở Châu Âu, tôm hùm đỏ được xem là sinh vật chỉ thị kim loại nặng như: As, Cd, Cr, Pb, Hg, Ni, ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm thuốc diệt côn trùng (do chúng có thể sinh sống trong môi trường này). Trung Quốc phải đối phó với nạn tôm hùm đỏ phát triển dọc sông Trường Giang. Còn Việt Nam, nếu loài này phát tán ra đồng ruộng, sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng. Tôm hùm đỏ làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đỏ xâm lấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo tôm hùm đỏ là vật truyền bệnh trung gian cho các loài sinh vật khác, trong đó có bệnh đốm trắng ở giáp xác, nấm và lây bệnh qua người. Chúng phá hoại mùa màng và vật nuôi, ăn tạp và tấn công các loài động vật bản địa. Tôm hùm đỏ phát tán nhanh theo kênh, rạch, sống được thủy vực sâu và cạn, đào hang phá hoại công trình đê, đập. Chúng là đối tượng có nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thủy lợi... Cơ thể tôm hùm đỏ tích tụ nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe đối tượng ăn thịt chúng, kể cả con người.
Năm 2012, tôm hùm đỏ từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, từ năm 2013, tôm hùm đỏ đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển. Khi xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đỏ sẽ trở thành “đại họa” cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái. Việc kiểm soát tôm hùm đỏ sẽ khó khăn nếu nhiều người vẫn lén vận chuyển, mua bán, tiêu thụ loài sinh vật nguy hiểm này.