Ngành tôm nước lợ và chất thải
Theo Bộ NN&PTNT, vùng ĐBSCL chiếm trên 90% diện tích và sản lượng tôm nước lợ cả nước, gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Mục tiêu năm 2025 xuất khẩu 10 tỷ USD với yêu cầu phát triển bền vững đang gặp hai thách thức lớn: Nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề.
Phân tích của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam năm 2023 cho cái nhìn khá đầy đủ về chuỗi cung ứng ngành tôm ở nước ta. Gồm có đầu vào là giống, thức ăn, thuốc, hóa chất. Hoạt động sản xuất nuôi trồng chủ yếu quy mô nhỏ, liên kết yếu. Đầu vào và đầu ra có tỷ lệ lớn qua trung gian là đại lý, thương lái. Chế biến sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, hầu hết được đóng gói. Thương mại gồm nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối có thị trường bán sỉ và bán lẻ. Chuỗi hoạt động trên có dịch vụ logistics, khoa học công nghệ, tư vấn; và dịch vụ tài chính (tín dụng, hợp tác liên kết...).
Nuôi tôm thẻ chân trắng, đã tính toán được bình quân nuôi mỗi tấn tôm thải ra 2.041 m3 nước, khí nhà kính 500 tấn CO2eq/ha tương đương 68 tấn và nhiều chất thải là xi phông, vỏ tôm, tôm chết. Còn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, được mỗi tấn tôm sẽ thải ra 33,33 tấn CO2eq/ha, đương đương 4,54 tấn khí nhà kính.
Giải pháp sử dụng tài nguyên trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Đầu vào gồm giống, phân bón, vôi và khoáng, vi sinh. Hoạt động sản xuất đã sử dụng tài nguyên tính toán được như sau: Diện tích đất 0,48 ha/tấn tôm, nước 2.041 m3/tấn tôm, thức ăn viên (FCR: 1,36), năng lượng điện 8.844 KWh/tấn tôm
Năng suất trung bình hiện nay là 7,35 tấn/ha/năm.
Thải ra: Nước 2.041 m3/tấn tôm, khí nhà kính 500 tấn CO2eq/ha tương đương 68 tấn/tấn tôm, và nhiều chất thải là xi phông, vỏ tôm, tôm chết.
Nước nuôi tôm cần được xử lý trước khi thải ra môi trường bên ngoài
Thực hiện tuần hoàn nội tại trong hệ thống nuôi, với nguyên lý tối ưu hóa đầu vào và tối đa hóa đầu ra, bởi tập hợp các mô đun giải pháp sau:
1/Sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, biogas) để giảm chi phí năng lượng, kết hợp với mái che để ổn định nhiệt độ, sử dụng sục khí hiệu quả.
2/Công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín: Biofloc – biogas. Ưu điểm là tái sử dụng trực tiếp các dinh dưỡng từ chất thải và thức ăn dư thừa, giảm FCR; giảm chi phí xử lý nước thải. Tuy nhiên cũng có khuyết điểm là rủi ro lây lan bệnh, đòi hỏi kỹ thuật cao và tỉ mỉ.
3/Công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín: Tôm-rong biển-cá-biogas/rừng ngập mặn. Ưu điểm là giảm rủi ro lây lan bệnh, tạo thêm nguồn thu từ cá và rong biển, giảm chi phí xử lý nước thải, hấp thu carbon. Nhưng cũng có khuyết điểm là đòi hỏi năng lượng, kỹ thuật cao và tỉ mỉ.
4/Công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín: Biogas – aquaponics.
Giải pháp sử̉ dụng tài nguyên trong nuôi tôm sú quảng canh cải tiến
Đầu vào gồm giống, phân bón, vôi và khoáng, vi sinh. Hoạt động sản xuất đã sử dụng tài nguyên tính toán được: Diện tích đất 4,79 ha/tấn tôm, nước 52.817 m3/tấn tôm, thức ăn tại chỗ và thức ăn tự nhiên, năng lượng 5.666 KWh/tấn tôm,
Năng suất trung bình 240 kg/ha/năm
Thải ra khí nhà kính 33,33 tấn CO2eq /ha, đương đương 4,54 tấn/tấn tôm
Thực hiện tuần hòan nội tại trong hệ thống tôm quảng canh cải tiến bằng phương pháp cải thiện thức ăn tự nhiên trong ao nuôi, và nuôi tôm kết hợp với rong câu để cải thiện năng suất tôm với giá thành thấp.
Ưu điểm: chi phí thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tiềm năng có thể đạt 450-500 kg/ha/năm, thêm thu nhập từ rong câu khoảng 30 triệu/ha/năm. Đồng thời giảm phát thải được 17-18%.