Lao đao vì giá thấp
Có tiếng là người chịu khó, lao động giỏi tại ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, mô hình sản xuất nào hiệu quả ông Hai Khuyên (Nguyễn Văn Khuyên) cũng tiên phong áp dụng. Từ những ngày đầu chuyển dịch sang nuôi tôm, cho đến nuôi tôm công nghiệp, rồi đến nuôi tôm siêu thâm canh. Cũng nhờ vợ chồng đồng lòng, chịu khó làm ăn mà từ hai bàn tay trắng, ông Hai Khuyên mới có trong tay 6 ha đất.
Kể về chuyện con tôm công nghiệp, ông Hai Khuyên là một trong những lớp người đầu tiên ở xã mạnh dạn đầu tư bạc tỷ chuyển toàn bộ đất nuôi quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp. Và một số vốn không hề nhỏ để thực hiện nuôi tôm công nghiệp theo hình thức siêu thâm canh 2 năm nay.
4 vụ nuôi tôm siêu thâm canh thì chỉ có 1 vụ lời được 400 triệu đồng, không đủ để bù lỗ cho 2 vụ nuôi đầu năm 2019. Ông Hai Khuyên buồn bã cho biết: “Tôi nuôi tôm siêu thâm canh với 3 đầm, tổng diện tích 3.600 m2. 2 vụ vừa qua, tôi thả 400 ngàn con giống, tôm mới được 2 tháng 20 ngày buộc phải lên, do chậm lớn. Sản lượng thấp, hơn nữa giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm giảm 50% so với năm 2018 và những năm trước, 217 con/kg giá chỉ 42 ngàn đồng, lỗ 700 triệu đồng”.
Vậy là, mấy tháng trời cực nhọc, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên giấc của lão nông đã 69 tuổi đời như ông Hai Khuyên bên những đầm tôm công nghiệp chẳng đem lại lợi nhuận. Bao nhiêu tài sản dành dụm mấy chục năm tần tảo, chắt chiu lần lượt ra đi. Không còn khả năng cầm cự, giờ đây, mấy đầm nuôi tôm siêu thâm canh đành chịu cảnh treo đầm, mấy đầm nuôi tôm công nghiệp còn lại ông chuyển sang thả tôm, cua quảng canh để kiếm sống hàng ngày và để chờ giá tôm thương phẩm sắp tới khả quan trở lại.
Ông Hai Khuyên tâm tình: “Vốn liếng đầu tư ban đầu để nuôi 9 đầm tôm công nghiệp đã gần 2 tỷ đồng, giờ sao buông được. Nhưng giá tôm thấp quá, giờ thả nuôi tôm sú, cua cầm cự kiếm sống qua ngày, chờ xem tình hình có cải thiện không rồi mới dám nuôi tiếp”.
Thấy mọi người phất lên nhanh chóng chỉ sau vài vụ nuôi tôm công nghiệp, dù chưa từng trải qua lớp tập huấn kỹ thuật nào nhưng anh Nguyễn Văn Nhiệm (ấp Công Bình, xã Phong Lạc) cũng nối bước nuôi tôm công nghiệp như bao hàng xóm trong vùng. Nhưng khác hơn ông Hai Khuyên, anh Nhiệm chỉ nuôi một phần diện tích canh tác của gia đình. Vậy nên khi bị thất mùa, thất giá thì số tiền thiệt hại chỉ vài chục triệu đồng.
Cũng đang rầu trước tình hình giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm giảm mạnh hơn 1 tháng nay, anh Nhiệm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi mới nuôi 1 vụ, thả 130 ngàn con giống/2 đầm nuôi. Hiện tôm nuôi được hơn 3 tháng, kích cỡ 50 con/kg. Nhưng giá thấp như thế này, dù năng suất đạt thì lời cũng thấp lắm”.
Được thành lập năm 2017, cùng với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, con tôm công nghiệp đã giúp cuộc sống của riêng 10 thành viên HTX Thuận Lợi (ấp Lung Dòng, xã Phong Lạc) dần bước sang trang mới. Thế nhưng, trước tình hình giá cả tôm chân trắng thương phẩm như hiện nay, xã viên như đang “ngồi trên đống lửa”.
Giám đốc Hợp tác xã Thuận Lợi Dương Thành Long lo lắng: “Hiện, 10 thành viên trong hợp tác xã đang thả nuôi 13 đầm trải bạt, với diện tích hơn 1,5 ha, được từ 20-70 ngày tuổi. Nông dân đang lo lắng, bởi giá tôm thương phẩm sụt giảm mạnh, liên tiếp trong 20 ngày nay. Nuôi tôm siêu thâm canh chi phí sản xuất cao mà giá thành tôm thương phẩm thấp. Hơn nữa, thời gian qua, bà con trong hợp tác xã chủ yếu bán tôm cho thương lái, chớ không có công ty, doanh nghiệp trực tiếp thu mua nên cũng bị ép giá”.
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Nhiều nông dân nuôi tôm công nghiệp cho biết, nói đến nuôi tôm công nghiệp thì nếu đầu tư ít cũng phải bạc trăm triệu đồng, nhiều thì lên tới bạc tỷ. Như lời chia sẻ của anh Nhiệm: “Một vụ nuôi với diện tích nhỏ thì chi phí cũng khoảng 100 triệu đồng, từ con giống, thức ăn, điện”. Bởi thế, chỉ cần một khoản chi phí nào tăng là nông dân nuôi tôm công nghiệp thêm gánh nặng.
4 năm nuôi tôm công nghiệp nhưng ông Phan Văn Kiểm (ấp Công Bình, xã Phong Lạc) vẫn chưa được áp giá điện. Vì vậy, dù chỉ nuôi có 1 đầm tôm công nghiệp (diện tích 1.300 m2) nhưng trước đây mỗi tháng tiền điện sản xuất cộng thêm sinh hoạt hơn 3 triệu đồng. Vừa qua, giá điện lại tiếp tục tăng, theo đó mỗi tháng gia đình ông Kiểm phải tốn thêm một khoản không nhỏ để chi trả tiền điện.
Ông Kiểm lo lắng: “Kỳ đóng tiền điện mới đây lên tới hơn 4,8 triệu đồng, tăng 1,5 triệu đồng so với trước. Điện lên giá quá nên trước tôi cho chạy 3 quạt, giờ giảm lại còn 2 quạt thôi”.
Ông Hai Khuyên cho biết: “Khi giá điện chưa lên, mỗi tháng gia đình tôi phải chi trả riêng tiền điện sản xuất lên tới 27 triệu đồng, mặc dù đã được áp giá điện. Dù có tiền trong túi hay không cũng phải lo kiếm tiền, chớ không đóng ngành điện cúp điện thì sao sản xuất. Vì vậy, điện lên giá, chi phí tiền điện nhiều hơn nữa, nông dân càng thêm khổ”.
Không chỉ giá điện tăng, những năm qua, điệp khúc giá thức ăn, phân, thuốc vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thuỷ sản tăng giá cứ lặp đi lặp lại, làm nông dân thêm lo lắng. Anh Nhiệm chia sẻ: “Giá thức ăn tăng nhẹ so với trước, hiện giờ hơn 28 ngàn đồng/kg. Nếu mua trả tiền liền thì còn đỡ chớ mua trước trả sau thì giá cao hơn nữa”.
Con tôm công nghiệp đã gắn bó với nông dân ở các vùng chuyển dịch bao lâu nay trên hành trình chinh phục khoa học - kỹ thuật, hiện thực hoá khát khao làm giàu chính đáng. Nhưng, điệp khúc chi phí sản xuất cứ tăng vọt mà giá thành tôm thương phẩm không ổn định, cùng với đó là sự thiếu và yếu trong khoa học - kỹ thuật làm cho nông dân cứ loay hoay bên những đầm tôm công nghiệp mà chưa tìm ra lối thoát