Đụng đâu cũng thấy sai phạm
Những sai phạm trong công bố chất lượng thức ăn thủy sản của các doanh nghiệp không còn là vấn đề mới mà nó đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo kết quả cuộc điều tra tại thị trường thức ăn thuỷ sản tỉnh An Giang hồi cuối năm 2007, hầu hết các loại thức ăn thuỷ sản đang được bán có hàm lượng đạm thực chất luôn thấp hơn 2 - 5% so với hàm lượng được ghi trên bao bì. Cá biệt có một số nhãn hiệu trên bao bì ghi thức ăn chứa 40% đạm, nhưng thực chất độ đạm chỉ có 11,3%... Trên thực tế, giá bán thức ăn thuỷ sản mỗi độ đạm chênh nhau từ 200 - 500 đồng, chỉ cần giảm 2 độ đạm/bao 25kg thì người tiêu dùng đã thiệt hại 12.500 đồng/bao. Theo tính toán, năm 2007, An Giang nuôi 200.000 tấn cá tra, cần khoảng 400.000 tấn thức ăn công nghiệp (khoảng 200.000 tấn thức ăn thuỷ sản tự chế). Nếu tính trung bình 1kg thức ăn bị gian lận từ 2 - 5% độ đạm thì người nuôi cá thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Và từ đó đến nay, năm nào cũng có ít nhất 20% số lượng mẫu thức ăn thủy sản được kiểm tra có vấn đề về chất lượng. Với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp cắt giảm tối đa các thành phần quan trọng hoặc thay thế bằng những thành phần kém giá trị dinh dưỡng khiến vật nuôi chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, hệ số thức ăn cao, giá thành sản xuất vì thế cũng tăng theo.
Điều đáng nói là do lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất “sẵn sàng” nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Do phải cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp còn mạnh tay trong việc chi hoa hồng cho các đại lý lên tới 20% doanh số. Đặc biệt, nếu “chẳng may” đại lý nào bị các cơ quan xử phạt vì bán hàng kém chất lượng, nhiều công ty còn sẵn sàng chi trả số tiền nộp phạt vốn “chẳng đáng là bao” để “động viên” đại lý tiếp tục bán.
Còn thiếu hành lang pháp lý
Cho đến nay, thức ăn thuỷ sản vẫn chưa có quy chuẩn và chưa được chứng nhận hợp quy theo pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chỉ được cấp phép bởi trung tâm khảo nghiệm, kiểm định 1 lần, sau đó không có hoạt động kiểm soát chất lượng. Chất lượng sản phẩm thức ăn đều do các doanh nghiệp tự công bố, tự điều chỉnh. Trong khi đó, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp nào hiệu quả để quản lý chất lượng. Chính kẽ hở này đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tự ý “rút ruột” chất lượng, giảm độ đạm cần có trong thức ăn thủy sản…
Trong các nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi đã được ban hành, chưa thấy có văn bản nào nhắc đến thức ăn thủy sản (mà chỉ có những quy định chung cho thức ăn chăn nuôi); đến nay, chưa có văn bản luật dành riêng cho chất lượng thức ăn thủy sản. Ngay trong Thông tư 66/2011/BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 10/10/2011 quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi cũng chỉ có những quy định chung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Đó là chưa kể, điều kiện trang thiết bị, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng khó có thể phát hiện ngay và kịp thời những sai phạm. Đơn cử như năm 2012, ở Bạc Liêu, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã bốc mẫu thức ăn, chế phẩm sinh học để phân tích, trong đó có gần 50% mẫu không đạt. Tuy nhiên, đối với các huyện, việc thực hiện bốc mẫu phân tích không dễ khi không đủ điều kiện, nhất là về kinh phí. Cũng từ kẽ hở này mà nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp quảng cáo với những lời lẽ hoa mỹ thi nhau đổ về nông thôn, gây thiệt hại đáng kể cho bà con.
Người ta cũng hoàn toàn có thể nghi ngờ về tính khách quan trong kết quả kiểm nghiệm khi mẫu được gửi đến cơ quan kiểm nghiệm đều có ghi nhà máy sản xuất hoặc một thương hiệu nào đó, và đương nhiên những mẫu này đạt chuẩn. Vậy nên mới có chuyện, năm 2010, Vụ Nuôi trồng thủy sản kiểm tra 999 mẫu nhưng không phát hiện sai phạm, trong khi Trung tâm Khảo nghiệm – kiểm nghiệm và kiểm định nuôi trồng thủy sản kiểm tra 39 mẫu thì phát hiện 6 mẫu vi phạm chất lượng.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp và người nuôi thủy sản, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thể hiện vai trò chủ đạo trong công tác quản lý giá và chất lượng thức ăn thủy sản. Trước hết cần rà soát lại hoạt động của tất cả các nhà máy chế biến thức ăn, đánh giá chất lượng sản phẩm, xác định mức giá thành căn cứ vào giá các loại nguyên liệu đầu vào và các loại chí phí khác,… Thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng và giá thức ăn nuôi thủy sản một cách thường xuyên, không phải là theo từng chiến dịch, đổi mới cách thức quản lý, kịp thời nắm bắt xu thế mới của thị trường, loại trừ các hành vi tiêu cực, không để các loại thức ăn kém chất lượng có cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Trong một hội nghị trực tuyến về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc giám sát, xử lý nghiêm các vụ vi phạm; công bố thông tin minh bạch, chính xác tình trạng ATVSTP cho người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống trong quá trình thực hiện; chủ động tham mưu, hợp tác với các cơ quan truyền thông và sử dụng hệ thống khuyến nông để triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP”. Vấn đề còn lại là, đã đến lúc phải xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh cho thức ăn thủy sản nói riêng, các loại vật tư nông nghiệp nói chung, để đảm bảo tính minh bạch trên thị trường.