Năm 2015, anh Ngô Văn Thống, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, được hỗ trợ 22 triệu đồng từ chính sách khuyến khích phát triển nuôi TS của tỉnh. Năm 2016, anh tiếp tục thả nuôi hơn 60.000 con cá trên diện tích ao nuôi cũ và làm hồ sơ gởi chính quyền địa phương để được hưởng hỗ trợ. Xã tổ chức đoàn đến thẩm định nhưng qua 2 năm, anh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ chính sách này.
Ông Huỳnh Văn Hùng, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: Tôi có 2 ao nuôi, diện tích trên 1ha. Năm 2016 và 2017, sau khi thả nuôi, tôi làm thủ tục gởi xã đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 54 của UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Nhiều lần, tôi kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.
Theo Hướng dẫn số 329, ngày 26/02/2013 của liên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Sở Tài chính về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nuôi TS trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười, UBND xã tổ chức đoàn kiểm tra, tiếp nhận giấy đề nghị hỗ trợ của tổ chức, cá nhân nuôi TS, tiến hành kiểm tra, lập biên bản thực tế tình hình đầu tư nuôi TS; thống kê, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ gởi về UBND huyện thẩm định.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017, huyện tiếp nhận 609 hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 54 của UBND tỉnh với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Huyện đã thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ và tiến hành kiểm tra thực tế các hộ nuôi TS, thống kê, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện gởi về Sở NN&PTNT thẩm định để được hỗ trợ.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng, 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017, huyện được Sở NN&PTNT thẩm định 548 hồ sơ hỗ trợ chính sách khuyến khích phát triển nuôi TS vùng Đồng Tháp Mười theo Quyết định số 54 của UBND tỉnh với số tiền hơn 5,5 tỉ đồng.
Nuôi thủy sản ở Đồng Tháp Mười.
Các địa phương này có công văn gởi Sở NN&PTNT đề nghị hỗ trợ người nuôi TS. Tuy nhiên, 2 năm qua, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng cho biết: “Ngày 07/5/2018, sở làm việc với Sở Tài chính về vấn đề này. Theo Sở Tài chính, vì chưa cân đối được nguồn kinh phí nên đề nghị được kéo giãn thời gian hỗ trợ chính sách khuyến khích phát triển nuôi TS. Sở Tài chính rà soát lại nguồn kinh phí và sau đó sẽ trình UBND tỉnh xem xét./.
Theo Quyết định số 54 của UBND tỉnh, tổ chức, cá nhân đưa giống mới, giống có giá trị kinh tế cao vào nuôi với diện tích tối thiểu đối với ao nuôi là 0,2ha, đối với nuôi trong ruộng lúa là 0,5ha, đối với đăng quần là 0,5ha; thể tích tối thiểu với nuôi lồng bè là 20m3, đối với nuôi vèo là 15m3 được hỗ trợ 50% giá con giống nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ.
Tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác trong vùng quy hoạch sang nuôi TS được hỗ trợ sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ao nuôi và đưa TS vào nuôi. Đối với ao nuôi diện tích từ 0,2ha trở lên được hỗ trợ 25% chi phí đầu tư nhưng không quá 20 triệu đồng/ha. Đối với nuôi trong ruộng lúa diện tích từ 0,5ha trở lên được hỗ trợ 25% chi phí đầu tư nhưng mức tối đa không quá 8 triệu đồng/ha.
Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 1 lần khi đầu tư mới. Đối với lồng bè từ 20m3 trở lên được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư, đăng quần từ 0,5ha trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư và vèo từ 15m3 trở lên được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư.
6 tháng cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận 2.717 hồ sơ của các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường; sau khi thẩm định, có 2.715 hồ sơ đạt yêu cầu với số tiền hỗ trợ gần 30 tỉ đồng. Năm 2017 tiếp nhận 273 hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách khuyến khích phát triển nuôi TS, sau khi thẩm định, tất cả đều đạt yêu cầu với số tiền hỗ trợ hơn 3,6 tỉ đồng.