Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là loài cá biển có giá trị kinh tế cao và được xem là đối tượng tương đối mới trong nuôi trồng thủy sản nhưng trên thị trường cá được xem là loài cá khai thác tự nhiên. Cá chim vây vàng ưa hoạt động, tốc độ sinh trưởng khá nhanh, có thể nuôi với mật độ cao trong ao hoặc lồng ở cả các thủy vực nước lợ và nước mặn, dễ thích nghi trong điều kiện nuôi trồng.
Việc cho sinh sản thành công đối tượng nuôi này trong trại giống là kết quả của sự nỗ lực không ngừng. Được tiến hành bởi Tiến sỹ Hannibal Chavez, quản lý BFAR IVA-RFRDC, trong dự án “Ảnh hưởng của mật độ thả lên sinh trưởng, tỷ lệ sống và sản lượng của cá chim vây vàng” đã cho kết quả khả quan về sản lượng khi thu hoạch. Với triển vọng đạt được, một dự án tiếp theo mang tên “Phát triển đàn cá chim vây vàng và cá chỉ vàng bố mẹ trong điều kiện nuôi lồng” đã được tiến hành. Kết quả đã tạo ra được đàn cá thành thục và được chuyển đến trại giống, tại đây chúng được sinh sản tự nhiên mà không sử dụng các biện pháp kích thích sinh sản.
Đây là một thành công đầu tiên trong sinh sản tự nhiên của cá chim vây vàng tại điểm vùng của BFAR. Tổng khối lượng trứng ở lần sinh sản đầu này là 200g tuy nhiên chỉ có khoảng 50g là được thụ tinh. Trứng được nở ra sau 24 giờ. Đã có khoảng 3 lần sinh sản tự nhiên của cá chim vây vàng tính từ thời điểm tháng Ba năm 2013. Tiến sỹ Chavez kết luận rằng, cá chim vây vàng có thể sinh sản quanh năm, tùy thuộc vào nguồn dinh dưỡng được cung cấp./.
Tại Việt Nam, Đề tài "Thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng (Trachinotus blochii Lacepede, 1801) do PGS-TS Lại Văn Hùng, Khoa Nuôi trồng thủy sản - Trường Đại học Nha Trang, làm chủ nhiệm triển khai từ 10/2009 đến tháng 10/2011, đã tuyển chọn, nuôi vỗ thành thục 129 cá chim vây vàng bố mẹ cho sinh sản. Qua 12 đợt ương thử nghiệm, đề tài đã thu được 23,5 triệu trứng thụ tinh, ấp nở 12,6 triệu ấu trùng cá. Tepbac.com tổng hợp