Khoảng 3 giờ khuya, không khí bán buôn ngay ở khu vực chợ thủy hải sản tươi sống Vị Thanh bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Từng chuyến xe tải lớn nhỏ vận chuyển cá điêu hồng, mực, bạch tuộc, cá biển các loại lần lượt đậu vào vị trí quen thuộc. Kẻ xuống hàng, người đem sản phẩm lên cân cứ thế diễn ra tất bật đến tận 5-6 giờ sáng cùng ngày.
Sản phẩm đều thuộc nhóm “3 không”
Điều đáng nói là khi được các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của tỉnh kiểm tra và yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan về nguồn gốc sản phẩm thì hầu hết các chủ vựa nơi đây đều có chung câu trả lời là “các mặt hàng từ mực, cá biển các loại được mua về đây bỏ mối lại cho các tiểu thương trước khi đến tay người tiêu dùng hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ”. Chị Phan Thị Hồng Oanh, chủ xe tải vận chuyển cá nước ngọt, hải sản ở chợ Vị Thanh, khẳng định: “Ai cũng vậy chứ không riêng gì mình”.
Mỗi chuyến, xe của các chủ vựa nơi đây vận chuyển khoảng vài trăm kg cá biển, mực các loại. Thậm chí là chả cá hầu như không có nhãn mác mà chỉ được bảo quản trong túi ni-lông trước khi chia nhỏ bỏ mối lại theo nhu cầu của các tiểu thương. Theo chị Oanh, xe của chị thường lấy hàng ở chợ đầu mối Tân An (Cần Thơ) về bán lại cho các tiểu thương trên địa bàn thành phố Vị Thanh và khu vực lân cận. Khi thỏa thuận được giá thì trả tiền ngay và chở hàng về bán. Trường hợp không trả bằng tiền mặt tại chợ, chủ vựa ở đó (nơi lấy hàng - PV) mới ghi nhận lại số lượng, số tiền để người mua chi trả lại sau.
Rõ ràng, với cách thu mua và phân phối theo kiểu nhanh gọn, “tiền trao cháo múc” như thế nên không riêng gì sản phẩm được lấy ở chợ đầu mối Tân An mà các điểm chợ đầu mối khác trước khi được các chủ vựa ở chợ Vị Thanh nhập hàng về phân phối lại cho tiểu thương hầu như thuộc nhóm hàng thực phẩm thủy hải sản “3 không”, tức là không hóa đơn, nhãn mác, chứng từ cũng là chuyện dễ hiểu. Cũng lấy hàng từ chợ đầu mối Tân An về bán sỉ và lẻ tại chợ Vị Thanh, ông Lê Phước An thừa nhận: “Hồi nào tới giờ đều mua hàng theo cách thấy sản phẩm nào vừa mắt, được giá thì lấy về bán”.
Hàng loạt mẫu nhiễm hóa chất độc hại
Thế là “ngày này qua tháng nọ”, công việc “mua đi bán lại” của các chủ vựa chuyên bán hàng nông, thủy hải sản chợ Vị Thanh nói riêng, địa bàn tỉnh nói chung diễn ra bình thường. Còn người tiêu dùng lại ít khi quan tâm đến sản phẩm mình mua về đáp ứng nhu cầu trong các bữa ăn hàng ngày có nguồn gốc, xuất xứ từ đâu! Chỉ đến khi các đoàn liên ngành đến kiểm tra, bốc mẫu kiểm nghiệm thì chất lượng sản phẩm mới được phơi bày. Lúc này người tiêu dùng cảm thấy lo âu thì mọi chuyện đã rồi.
Bởi qua các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành trong thời gian gần đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hậu Giang đã lấy 176 mẫu nông, thủy sản tại các điểm chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phân tích hóa chất độc hại. Đến thời điểm hiện tại đã có kết quả 34/176 mẫu, trong đó có 22/34 mẫu nhiễm các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, tập trung phần lớn đối với sản phẩm chả cá, chả chay, chả lụa chứa hàn the, khô chứa Trichlorfon. Trong khi đó, các loại hải sản gồm: bạch tuộc, mực, cá biển, tôm có chứa hàn the và urê. Tất cả các sản phẩm trên đều có điểm chung là không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Do đó, công tác giám sát việc kinh doanh, mua bán sản phẩm thực phẩm nông, thủy hải sản sẽ được đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện thường xuyên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đã cận kề để góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, khẳng định: Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ chỉ đạo cho cơ quan chức năng trực thuộc sở tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm nông, thủy sản chứa hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mức xử phạt có thể lên đến 100 triệu đồng
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh cho biết, hình thức xử phạt được áp dụng theo Nghị định 178/2013/ NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm” và Nghị định 185/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Cụ thể: Đối với hành vi kinh doanh (mua bán) hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ áp dụng điểm c, khoản 1; khoản 13, 14, 15 điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt sẽ tùy theo giá trị hàng hóa và thấp nhất là 400.000 đồng. Đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm sẽ áp dụng khoản 3, khoản 5, khoản 6 điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP: phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng.
Ngoài hình thức phạt chính, người vi phạm còn phải chịu hình thức phạt bổ sung như tiêu hủy hàng hóa vi phạm và buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Ông Đức khuyến cáo thêm: Người tiêu dùng nên xem kỹ nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, cảm quan thực phẩm (điều kiện bảo quản, cách đóng gói, màu sắc, mùi, vị…) để lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn; cảnh giác với thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm.
GIA NGUYỄN ghi