Cấu tạo hệ thống tời thủy lực: Hệ thống tời thủy lực có cấu tạo gồm: 1: Động cơ lai, 2: Bộ ly hợp, 3: Bơm dầu, 4: Két dầu, 5: Sinh hàn, 6: Van điều chỉnh, 7: Đường dầu đi, 8: Đường dầu về, 9: Đường dầu hồi, 10: Con lăn dẫn hướng chính, 11: Con lăn dẫn hướng phụ 12: Tang tời, 13: Con lăn, 14: Mâm tời, 15: Đế tời, 16: Động cơ thủy lực hình sao.
Máy thu lưới thủy lực
* Thông số cơ bản của tời thủy lực:
Lực kéo định mức của tời : Pdm =1.000kg
Tốc độ thu lưới trung bình : Vtb = 0,42m/s
Động cơ thủy lực
Loại động cơ: Động cơ thủy lực hình sao
Áp suất làm việc: p = 100 at
Lưu lượng trung bình: Qđc = 105,504 lít/phút
Nguyên lý hoạt động của máy tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy
Nguyên lý hoạt động của máy thu lưới thủy lực được thể hiện qua sơ đồ cấu tạo hình 1. Động cơ 1 lai bơm thủy lực 2 thông qua bộ ly hợp 3. Dầu thủy lực từ thùng chứa dầu 4 được bơm thủy lực 2 đẩy đi qua đường ống dẫn dầu đi 7. Dầu thủy lực đi qua van điều khiển 6, qua đường ống dẫn dầu 7 đến động cơ thủy lực hình sao 16.
Động cơ thủy lực 16 liên kết với tang tời 12 qua bộ truyền bánh răng trụ lắp trên tời. Tang tời 12 hoạt động thông qua bộ truyền bánh răng trụ trên tời. Toàn bộ dây giềng phụ của vàng lưới rê được thu qua tang tời 12 và các con lăn kẹp và con lăn dẫn hướng. Dầu thủy lực hồi về qua động cơ thủy lực 16, qua đường ống dẫn dầu về 8, qua van điều khiển 6, qua đường ống dẫn dầu hồi 9, qua thiết bị sinh hàn 5, và hồi về thùng chứa dầu 4.Van điều khiển 6 là van đặc chủng loại 4 cửa 3 vị trí, đảm bảo khả năng thay đổi tốc độ từ thấp đến cao theo tính toán và đảo chiều quay của tang tời 12, đảm bảo toàn bộ dây giềng phụ của vàng lưới rê được thu qua tang tời thuận lợi và an toàn.
Quy trình sử dụng hệ thống tời thủy lực trên tàu lưới rê tầng đáy
- Sơ đồ quy trình kỹ thuật khai thác:
Chuẩn bị chuyến biển - Hành trình ra ngư trường - Xác định vị trí thả lưới - Thả lưới - Ngâm lưới - Thu lưới lấy sản phẩm và bảo quản - Chuẩn bị mẻ sau
- Quy trình:
Bước 1: Trước khi vận hành máy thu lưới, cần kiểm tra lại dầu, động cơ điện, khớp nối và các van điều chỉnh đã được đặt ở vị làm việc hay chưa. Sau đó tiến hành cấp điện cho động cơ dẫn động điện.
Bước 2: Trong quá trình vận hành phải điều chỉnh tốc độ thu lưới của máy phù hợp với việc sắp xếp lưới, gỡ cá của các thủy thủ khác tham gia trong quá trình thu lưới.
Bước 3: Phải thường xuyên kiểm tra tình trạng dây giềng dắt, dây curoa nếu có dấu hiệu bị hư hỏng, bị mòn, … thì phải có phương án khắc phục kịp thời. Sau khi sử dụng phải tiến hành vệ sinh thiết bị để tránh bụi bẩn và đất cát bám dính tại các tang tời và hệ thống máy.
Hiệu quả kinh tế - xã hội khi sử dụng máy thu lưới thủy lực
Sau thời gian ứng dụng máy thu lưới thủy lực trên tàu QNa-92378-TS, do ông Trần Văn Chín làm chủ tàu, cho được kết quả như sau:
- Tàu lắp hệ thống tời thủy lực cho năng suất lao động theo sản lượng khai thác trung bình khoảng 15,5 kg/người/mẻ cao hơn so với tàu lắp tời cơ ma sát truyền thống khoảng 1,3 lần.
- Năng suất lao động theo doanh thu trước khi lắp hệ thống tời thủy lựclà 17,9 triệu đồng/chuyến/người và sau khi lắp máy đạt 22,4 triệu đồng/người/chuyến. Chênh lệch giữa lắp hệ thống tời thủy lực và không lắp máy là 4,5 triệu đồng/người/chuyến.
- Khi sử dụng máy thu lưới thủy lực có thể trang bị được thêm từ 120 - 150 cheo lưới (do thời gian thu lưới giảm).
- Khi sử dụng hệ thống tời thủy lực giảm được 02 người (01 người mở dây khuyết liên kết giữa lưới và dây giềng phụ và 01 người xếp dây giềng dắt xuống khoang tàu và buộc lại dây khuyết liên kết giữa lưới và dây giềng phụ khi thả lưới).
- Mức độ an toàn đối với người lao động khi sử dụng hệ thống tời thủy lực cao hơn so với tời cơ ma sát truyền thống rất nhiều.
- Giảm hao mòn dây giềng rút từ đó tăng tuổi thọ dây.
Tại Hội thảo đánh giá kết quả, hầu hết ngư dân đều đánh giá tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy rất hiệu quả. Khi sử dụng máy vào khai thác giảm lao động từ 1-2 người, nhất là lao động đang khan hiếm hiện nay, việc sử dụng máy thu tời thủy lực rất cần thiết. Đồng thời, ngư dân đánh giá máy thu lưới thủy lực có độ ổn định cao, yên tâm cho ngư dân lắp đặt sử dụng.
Tuy nhiên, phần lớn ngư dân cho rằng, để lắp đặt được tời thủy lực phải cải tạo lại boong, hầm… và đầu tư mua máy thủy lực kinh phí nhiều, đa phần ngư dân điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên để sử dụng máy vào sản xuất ban đầu gặp khó khăn. Vì thế, ngư dân mong muốn nhà nước hỗ trợ kinh phí cho ngư dân với mức đối ứng: Tàu vỏ thép khoảng 50 triệu đồng, tàu vỏ gỗ 40 triệu đồng, còn tiền cải tạo lại boong tàu, hầm... ngư dân tự lo kinh phí.
Với kết quả nghiến cứu của đề tài này, hi vọng trong thời gian đến ngư dân Quảng Nam có thể ứng dụng rộng rãi vào trong sản xuất để giảm sức lao động, tăng thu nhập, yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.