Đặc biệt, việc người nuôi tôm giấu dịch, tự ý xả nước trong ao nuôi có tôm đã mắc bệnh ra nguồn nước trong các vùng nuôi trong khi công tác quản lý dịch bệnh của các địa phương lỏng lẻo đã khiến cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thu, thôn Nam, xã Vạn Ninh, tận thu tôm khi mới nuôi được 40 ngày với kích cỡ 300-400 con/kg.
Vụ nuôi xuân hè năm nay, TP Móng Cái đã thả nuôi 1.010ha tôm thẻ chân trắng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP Móng Cái đã có 41ha ao đầm nuôi tôm bị mắc bệnh, chết hàng loạt. Dịch bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác định là do hoại tử gan, tụy cấp. Đã có 4/12 xã, phường nuôi tôm có tôm chết, trong đó nhiều nhất là xã Vạn Ninh và phường Hải Hòa. Xã Vạn Ninh có 26/126ha tôm chết với 91/176 hộ nuôi có tôm chết. Phường Hải Hòa có gần 15ha nuôi tôm bị chết hoàn toàn.
Hiện nay, Phòng Kinh tế TP Móng Cái cùng với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc người nuôi tôm giấu dịch, tự ý xử lý dịch bệnh và xả nước từ các ao nuôi bị bệnh ra môi trường khiến cho dịch bệnh đang lây lan, bùng phát rất nhanh.
Ông Nguyễn Danh Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Ngày 16/4, nhận được điện báo của phường Hải Hòa về việc 5ha đầm nuôi tôm của gia đình bà Đặng Thị Dịu, khu 7, phường Hải Hòa, bị chết, đoàn công tác của thành phố đã xuống hiện trường để kiểm tra, xử lý. Theo gia đình bà Dịu thì từ ngày 12/4, 3,1ha đầm nuôi tôm của gia đình đã có hiện tượng tôm chết, gia đình đã tự xử lý, song tôm vẫn chết. Đến ngày 17/4, gia đình mới báo cho địa phương. Cũng trong ngày 17/4, Chi cục Thú y vùng II trả lời kết quả 2 mẫu tôm và nước thuộc đầm nuôi của gia đình bà Dịu đều dương tính với bệnh hoại tử gan, tụy cấp. Đến ngày 5/5, toàn bộ 11 ao, đầm nuôi tôm với diện tích 12,4ha của gia đình bà Dịu đã bị chết hoàn toàn.
Tôm nuôi trong một ao nuôi của gia đình anh Nguyễn Xuân Dĩ, thôn 3, xã Vạn Ninh đã chết đỏ chiếc lờ kiểm tra tôm hàng ngày.
Vùng nuôi tôm xã Vạn Ninh xuất hiện dịch bệnh, tôm chết, nhiều hộ nuôi phải nhanh chóng tận thu.
Tương tự, hộ ông Trương Khánh Toàn và một số hộ nuôi tôm ở xã Vạn Ninh, có tôm nuôi bị chết từ giữa tháng 4/2018 nhưng không báo với địa phương mà tự ý xử lý rồi xả nước ra môi trường, làm lây lan mầm bệnh ra khu vực xung quanh.
Từ khi có dịch bệnh đến nay, TP Móng Cái đã cấp hơn 10 tấn hóa chất cho các địa phương xử lý dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình cấp hóa chất, việc giám sát các hộ nuôi xử lý hóa chất cũng không được chặt chẽ. Đã có trường hợp khi được cấp hóa chất nhưng người nuôi tôm đã xả cạn nước trong ao nuôi ra môi trường và địa phương đã yêu cầu thu hồi lại số hóa chất đã cấp.
Ngày 18/5/2018, đến vùng nuôi tôm tập trung tại thôn Nam, xã Vạn Ninh, chúng tôi chứng kiến cảnh phần lớn các hộ nuôi đều đang tận thu, thu hoạch tôm nuôi khi mới nuôi được 30-40 ngày. Nhiều ao, đầm nuôi khác đã tháo nước cạn trơ đáy. Nhiều ao nuôi vừa mới xử lý xong hóa chất và nhiều hộ nuôi khác đang tập trung phòng, chống dịch bệnh. Những hộ nuôi chưa có tôm bị bệnh thì túc trực canh chừng tại ao, đầm đề phòng không cho người khác di chuyển từ các ao, đầm có dịch đến khu vực ao nuôi của gia đình.
Một số hộ nuôi do tôm nuôi còn nhỏ đã xuất hiện dịch bệnh nên đã xử lý ao nuôi bằng hóa chất.
Đêm 17/5, ao nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Thu xuất hiện tình trạng tôm chết nên sáng nay, gia đình anh đã khẩn trương thu hoạch. Tuy nhiên, 18 vạn tôm giống thả nuôi chỉ cho tôm cỡ 300-400 con/kg nên gia đình anh bị thiệt hại gần trăm triệu đồng từ vụ nuôi này.
Còn tại khu ao đầm rộng 5ha của gia đình anh Nguyễn Xuân Dĩ thì tôm đã chết hàng loạt, không thể tận thu. Anh Dĩ cho biết: Gia đình tôi vừa mới mua lại khu ao, đầm này được một năm. Vừa cải tạo xong mới thả nuôi vụ đầu tiên. Trong số 5ha, gia đình đã thả nuôi được 4 ao với hơn 100 vạn giống. Khi mới thả giống được khoảng 20 ngày thì đã có hiện tượng tôm chết.
Nếu như không quản lý chặt chẽ việc xả nước từ các ao nuôi có tôm mắc bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là khó tránh.
Theo đánh giá của ngành chức năng và của các hộ dân nuôi tôm, phần lớn diện tích ao, đầm có tôm chết do bệnh hoại tử gan, tụy cấp tại TP Móng Cái đều xảy ra tại những ao, đầm nuôi mà người nuôi tôm mua giống tôm Việt - Úc.
Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh, cho biết: Vụ tôm này, toàn bộ các vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn tỉnh đều chưa được giám sát lưu hành dịch bệnh trước vụ nuôi. Do việc thẩm định, cấp kinh phí muộn nên đến thời điểm này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chưa tổ chức lấy mẫu tôm, mẫu đất, mẫu nước để quan trắc môi trường dịch bệnh. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi.
Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng kéo dài trong khi dịch bệnh trên tôm nuôi tại các vùng nuôi tôm tập trung tại TP Móng Cái đang lây lan nhanh chóng. Nếu như các ngành chức năng và địa phương, các hộ nuôi tôm không tích cực phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là điều khó tránh.