Hiện nay, việc sử dụng các chế phẩm sinh học không còn quá xa lạ đối với người nuôi. Tuy nhiên trong cơ chế cạnh tranh của các loài vi sinh vật trong môi trường nước nuôi và môi trường cơ thể cá luôn tồn tại nguyên lý “Mạnh được yếu thua”. Do việc bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi vào ao nuôi làm cho các loài có hại bị kiềm hãm sự phát triển, dẫn đến chúng sẽ thay đổi các kiểu di truyền để tìm các phát triển. Vì vậy khoa học luôn tìm kiếm những nhân tố mới giúp cho khả năng ức chế mầm bệnh để có hiệu quả tuyệt đối hơn.
Một loại nấm men được phân lập từ trầm tích của các vùng nước mặn, sau đó được nhân sinh khối và quan sát có đặc điểm rất giống chủng Sterigmatomyces halophilus N16. Việc quản lý chế độ ăn có bổ sung nấm men này đã được nghiên cứu về tác động của chúng đối với tình trạng miễn dịch niêm mạc của da và tình trạng chống oxy hóa của cá tráp đầu vàng (Sparus aurata L.) đã được thực hiện.
Cây phân loại của nấm men Sterigmatomyces halophilus N16
Ứng dụng của nấm Sterigmatomyces halophilus N16 trong thủy sản
Cá được cho ăn một chế độ ăn khác nhau: Nhóm đối chứng (chế độ ăn không bổ sung); Nhóm bổ sung 0,55% nấm men hoặc 1,1% nấm men trong 15 và 30 ngày.
Một tháng sau khi kết thúc thử nghiệm, cá từ tất cả các nghiệm thức được gây bệnh thực nghiệm bằng cách tiêm vào xoang bụng với dịch vi khuẩn gây bệnh là Vibrio parahaemolyticus và tiếp tục cho ăn với cùng chế độ ăn trong một tuần, sau đó cá được lấy mẫu và đánh giá các thông số miễn dịch.
Kết quả cho thấy cá gia tăng đáng kể các hoạt động miễn dịch trong chất nhầy niêm mạc khi được cho ăn bổ sung nấm men so với nhóm đối chứng. Mức độ biểu hiện của trypsin (một trong những enzyme tiêu hóa chính) và một số gen liên quan đến miễn dịch (IL-1β, TNF-α, IgM, C3 và lysozyme) cũng được đánh giá bằng PCR trong ruột và da cá cũng cho thấy hoạt động miễn dịch tăng lên đáng kể.
Điều thú vị là, biểu hiện gen trypsin trong ruột đã được điều chỉnh theo hướng có lợi trong cả hai chế độ ăn thử nghiệm so với nhóm chứng, đặc biệt là trong thức ăn cho cá với 0,55% S. halophilus bất cứ lúc nào trong quá trình thử nghiệm.
Sau khi bị gây bệnh với Vibrio parahaemolyticus một tuần, các nhà khoa học nhận thấy nhóm cá thí nghiệm có khả năng đề kháng với mầm bệnh mạnh mẽ hơn và tỷ lệ sống cũng cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.
Kết quả thí nghiệm trên cho thấy nấm men S. halophilus có thể được coi là một chất kích thích miễn dịch mới trên cá đầy tiềm năng cho hoạt động nuôi cá ven biển trong tương lai. Tiềm năng tuyệt vời của loài vi sinh vật biển này được phân lập từ môi trường khắc nghiệt với các tính chất có lợi cho cá sẽ là một tiền đề ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam nếu chúng ta phân lập được chúng trong vùng biển rộng lớn của chúng ta.