Mẫu được thu thập dựa trên hệ thống trạm được thiết kế cố định với khoảng cách 30 hải lý vuông, mỗi mẻ lưới có thời gian kéo khoảng 1 giờ và tốc độ kéo lưới nằm trong khoảng 3,2-3,5 hải lý/giờ.
Việc ước tính trữ lượng nguồn lợi hải sản dựa trên phương pháp truyền thống - phương pháp diện tích “Swept Area”. Một số kết quả bước đầu về đánh giá nguồn lợi hải sản dựa vào chuyến điều tra nguồn lợi bằng lưới kéo đáy do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện năm 2012-2013 cho thấy:
Đã điều tra được tổng số 684 loài hải sản thuộc 332 giống và 149 họ. TRong đó nhóm cá đã bắt gặp và định loại được 580 loài, nhóm nhuyễn thể chân đầu bắt gặp 35 loài, giáp xác 32 loài và các nhóm khác bắt gặp 37 loài.
Kết quả điều tra bằng lưới kéo đáy tại các vùng biển:
Về thành phần sản lượng, một số họ cá chiếm tỷ lệ trội trong sản lượng thu mẫu tại vùng biển Vịnh Bắc bộ như; họ cá Khế (Carrangidae) chiếm 4,9%, họ cá Miễn sành (Sparidae) chiếm 11,3%; họ cá Sơn phát sáng (Acropomatidae) chiếm 10,3%, tiếp theo là họ cá Liệt (Leiognathidae), họ cá Mối (Synodontidae), họ Mực ống (Loliginidae). Trong đó, các loài chiếm ưu thế là: cá Miễn sành (Evynnis cardinalis) 10,7%; cá Nục sồ (Decapterus maruadsi) 9,3%, cá Sơn phát sáng (Acropoma japonicum) 6,2%.
Tương tự, ở khu vực biển Trung bộ, các họ cá chiếm ưu thế trong sản lượng mẫu khai thác gồm có họ cá Khế (14,1%), họ cá Miễn sành (7,4%), họ cá Hố (7,1%), họ cá Sơn phát sáng (5,5%), họ cá Nóc (4,6%) và họ cá Đù (3,9%). Trong đó, cá Nục sồ chiếm tỷ lệ sản lượng cao nhất (8,4%), tiếp theo là cá Miễn sành (6,9%), Mực ống (2,4%) và cá Bánh lái (2,2%).
Vùng biển Đông Nam bộ, nguồn lợi hải sản điều tra được có thành phần sản lượng khác biệt hơn so với hai vùng trên, cá Mối là họ chiếm ưu thế, kế tiếp là họ cá Khế, Mực ống, cá Lượng, Mực nang, cá Đối... Họ cá Mối chiếm 17,8% sản lượng mẫu, cá Khế và họ Mực ống tương đương nhau - khoảng 8,2%, cá Lượng chiếm 6,7%, họ Mực nang và họ cá Đối chiếm tỷ lệ tương đương - khoảng 4,4%. Trong đó, loài cá Mối vạch, cá Mối hoa và Mực ống Trung Hoa chiếm tỷ lệ sản lượng cao nhất, lần lượt là 7,5%, 7,4% và 5,6%.
Kết quả nghiên cứu về thành phần sản lượng ở vùng biển Tây Nam bộ cho thấy, họ cá Nóc chiếm tỷ lệ sản lượng cao nhất - 11,5%, tiếp theo là họ cá Mối - 7,7%, họ Mực ống và họ cá Khế tương đương nhau, đều chiếm khoảng 6%, họ cá Liệt - 5,9% và họ cá Đù - 5,4%. Nhìn chung, các loài cá đáy có giá trị ở khu vực biển Tây Nam bộ không nhiều và chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng sản lượng của tàu thu mẫu. Các đối tượng có giá trị kinh tế cao là: Mực ống Trung Hoa (4,6%), cá Mối ngắn (2,8%), cá Mối vạch (2,4%), cá Mối thường (2,1%)...
Ước tính trữ lượng nguồn lợi hải sản bằng lưới kéo đáy ở biển Việt Nam khoảng 884.500 tấn, trong đó nguồn lợi cá đáy ước khoảng 325.000 tấn. Trữ lượng nguồn lợi hải sản tầng đáy và gần đáy điều tra được bằng lưới kéo đáy ở vùng Vịnh Bắc bộ, Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ lần lượt là 185.084 tấn, 408.715 tấn, 203.439 tấn và 87.261 tấn. Tổng sản lượng ước tính cho toàn bộ vùng biển khoảng 884.000 tấn.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, so với những năm 2000, nguồn lợi cá đáy và gần đáy ở biển Việt Nam đã bị suy giảm mạnh đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính ở biển Việt Nam theo dải độ sâu và vùng biển:
Kết quả bước đầu cho thấy, nguồn lợi hải sản tầng đáy và gần đáy (tại vùng nước có độ sâu dưới 200m ở biển Việt Nam) có xu hướng giảm rõ rệt so với các năm trước, đặc biệt là khu vực Đông và Tây Nam bộ. Nguyên nhân có thể do sự gia tăng cường lực khai thác của nhóm nghề lưới kéo trong những năm gần đây. Đồng thời, việc sử dụng các ngư cụ có kích thước nhỏ hơn quy định, các biện pháp khai thác mang tính hủy diệt, trong khi chế tài và bộ máy thực hiện công tác theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác thủy sảntrên biển cũng như tại điểm lên cá còn yếu và chưa hiệu quả.
Việc nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi hải sản bằng lưới kéo đáy là một trong những phương pháp có từ rất sớm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc nghiên cứu hệ số thoát cá của lưới điều tra chưa được thực hiện. Vì vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu về đánh giá hệ số khai thác (hệ số q) để có kết quả ước tính trữ lượng nguồn lợi chuẩn xác hơn.