Mười mấy năm rồi, tôi mới trở lại U Minh. Cái cảm giác đầu tiên khi đi giữa những tán rừng tràm xanh ngắt là nỗi nhớ một thời chân đất chợt ùa về trong ký ức. Năm tháng đã đi qua, nhưng hình ảnh về “một miền đất nhớ” vẫn không thay đổi nhiều. Hương tràm vẫn ngan ngát quanh năm, và người dân xứ rừng vẫn một đời lam lũ nhưng luôn chân chất, đôn hậu, thanh cao.
*Hành trình về U Minh:
Hơn sáu giờ sáng, chúng tôi tạm biệt phố thị Cà Mau để hành trình về vùng đất U Minh. Con đường tỉnh lộ ngày nào nắng bụi, mưa bùn nay được láng nhựa phẳng phiu để đón từng dòng xe xuôi ngược. U Minh ngày càng thay da đổi thịt, nhưng bước ngoặt của sự đổi thay diệu kỳ từ lúc Cụm công nghiệp Khí- Điện- Đạm – công trình tầm cỡ quốc gia, chính thức xây dựng và đi vào vận hành, đã mở thêm nhiều cơ hội để U Minh vững bước đi lên.
Huyện U Minh nằm về phía tây bắc của tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên 77.414 héc-ta, là huyện có diện tích rừng tràm chiếm 57,2% diện tích tự nhiên và chiếm 82% diện tích rừng tràm U Minh Hạ của tỉnh (44.293 héc-ta/54.028 héc-ta). Toàn huyện U Minh có 7 xã và 1 thị trấn thì 6 xã có rừng. Rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) thuộc 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, là điển hình cho việc bảo vệ, ổn định môi trường sinh thái cho vùng bán đảo Cà Mau. Các nhà khoa học còn xem đây là “lá phổi xanh” cho cả Nam Bộ.
Rừng ngập nước U Minh Hạ với nét đặc sắc riêng là có than bùn khá dày, nước đỏ và là nơi trú ngụ của nhiều động, thực vật quý hiếm. Đây còn là nơi cung cấp lâm sản, trồng lúa, trồng các loại cây ăn quả, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đồng thời là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư địa phương…
Rừng U Minh (gồm U Minh Hạ và U Minh Thượng) là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới, có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng. Năm 2010, nơi đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới… Theo số liệu điều tra năm 1983 của các nhà lâm sinh, rừng U Minh Hạ có 32 loài thú, 74 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ, trong đó có 11 loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những con số ấy chưa nói lên được hết sự kỳ vĩ của U Minh Hạ vốn gắn liền với nhiều huyền thoại.
Tuy nhiên, người dân U Minh vẫn còn nghèo, cuộc sống còn nhiều vất vả. Một cán bộ công tác ở UBND huyện U Minh cho biết, toàn huyện có 6.000 hộ nhận khoán đất lâm nghiệp với số nhân khẩu trên 28.000 người, chiếm khoảng 20% dân số của huyện. Thế nhưng, hầu hết đều là hộ nghèo, đông con, không vốn, không phương tiện, thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất… nên cuộc sống còn rất nhiều thiếu thốn. Chạy dọc theo từng Tiểu khu, chúng tôi len lỏi vào tận cùng cánh rừng tiếp giáp tuyến Kênh 5 Đất Sét, băng qua con đường bùn lầy hơn 2 giờ đồng hồ sình sụp vẫn không thấy một quán xá nào mọc lên; cũng chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào. Cuộc sống ở đây vắng vẻ, khiến tôi nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có đoạn tả về “cánh đồng chó ngáp”. Nghe tiếng xe, đám con nít trong nhà túa ra vỗ tay hoan hô, rồi tiếng chó sủa vang động một góc trời yên tĩnh.
Anh bạn đồng nghiệp Báo Cà Mau nói với tôi: “Bảo đảm từ trước tới giờ chỉ có 2 thằng mình dám chạy xe vô cái đường lầy lội này”. Bởi theo anh bạn đồng nghiệp, phóng viên muốn tác nghiệp khu vực này phải đi bằng xuồng, bằng vỏ lãi gắn máy đuôi tôm, do đường đi lại bùn lầy, cứ cách vài chục thước lại có một con mương thoát nước từ rừng/ruộng ra sông. “Có khi đang chạy gặp đường đứt (mương thoát nước xẻ ngang đường) phải vô nhà dân mượn tấm ván ngựa bắc ngang để chạy qua. Sau đó đem rửa sạch rồi vác vô nhà trả cho người ta. Còn ngày nào trời mưa mà gặp đường đất thì mướn xuồng máy chở ra lộ lớn mới về được”!
*Phận người gắn với thân tràm:
Thân tràm với lớp vỏ xù xì nhưng luôn vươn lên, đứng thẳng để tìm ánh sáng, nó như biết bao thế hệ đã gắn bó với những tán rừng xanh bạt ngàn, với vùng đất U Minh kiên cường, trung dũng. Dù nghèo, nhưng từ bao đời nay, người dân ở rừng U Minh Hạ vẫn sống với rừng, gắn bó với rừng, và chết cũng về lại với rừng.
Ông hai On, người dân sống ở Tiểu khu 066- 067 Lâm trường U Minh III (nay là xã Khánh An) cho biết, mỗi héc-ta tràm (10 công đất) trồng 10 năm bán với giá 15 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, tiền thuê đất (nhận giao khoán đất rừng)… còn lãi chừng 7- 8 triệu đồng! Nếu chỉ chăm bẵm vào rừng thì khó sống nổi!
Một điểm sáng lóe lên nơi rừng sâu heo hút, khi Nhà nước đầu tư xẻ nhiều tuyến kênh xáng như ô bàn cờ, làm hàng trăm cây số đường bê tông ở các Tiểu khu. Chạy trên những con lộ dọc bờ kênh xáng vào sâu trong ruột rừng dễ dàng bắt gặp những hàng bưởi sai trĩu quả, những vườn cam chín mọng trong nắng mai nhè nhẹ. Đặc biệt, rừng U Minh Hạ là một trong những nơi đang triển khai mô hình nuôi tôm- lúa kết hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm và thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới như: Nông- ngư- lâm kết hợp, trồng lúa- nuôi cá đồng, nuôi thâm canh cá sặc rằn, chăn nuôi heo rừng; trồng rau màu, trồng cây ăn trái… cũng được triển khai góp phần tăng thu nhập cho người dân thuộc các xã trong khu vực rừng tràm.
Một điểm nhấn quan trọng chính là Cụm công nghiệp Khí- Điện- Đạm đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp quan trọng vào ngân sách để thực hiện chủ trương phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng hạ tầng, giao thông, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở địa phương.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện U Minh, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng tràm U Minh Hạ là vùng căn cứ địa cách mạng của cả Nam Bộ, có ý nghĩa lớn trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; nơi gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và giáo dục truyền thống yêu nước của vùng đất U Minh trung dũng, kiên cường.