Tuy nhiên, khác với mọi năm, mùa cá năm nay sản lượng khai thác của ngư dân Bình Thuận đạt thấp nhưng giá thu mua nguyên liệu giảm mạnh.
Những ngày này, tại bãi sau Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), tàu thuyền vẫn dập dìu ra vào để bốc dỡ những mẻ cá tươi sau các chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, len lỏi trong số các tàu cập bến, chỉ có 1-2 tàu đánh bắt cá cơm, sản lượng khai thác lại thấp hơn nhiều so với những năm trước. Anh Trần Văn Cường - một ngư dân hành nghề pha xúc cá cơm tại phường Mũi Né - cho biết hiện số cá cơm đánh bắt được sau một chuyến vươn khơi 4 ngày bằng chưa đến một nửa sản lượng khai thác của mùa này năm ngoái. Trong khi đó, giá cá lại không cao nên ngư dân rất khó khăn. "Nguồn cá bị đứt từ 2 tháng qua, mới có lại vài ngày. Do trời êm quá nên không có cá. Nhiều ghe, anh em ráng ở lại đánh thêm nhưng chỉ đủ chi phí dầu và tiền công cho bạn thuyền" - anh Cường nói.
Nhiều ngư dân lý giải do thời tiết không thuận lợi cộng với việc tình trạng khai thác hải sản non, nhất là đánh bắt gần bờ diễn ra thường xuyên khiến trữ lượng cá cơm sụt giảm. Bên cạnh đó, mọi năm vào mùa này ở các vùng biển lộng thường xuất hiện các đàn cá nổi, song năm nay lại ít xuất hiện.
Việc sản lượng cá cơm sụt giảm khiến các cơ sở sản xuất nước mắm thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu. Theo ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, từ trước Tết đến nay, nguồn nguyên liệu cá cơm hầu như cạn kiệt. Tại TP Phan Thiết, các cơ sở sản xuất nước mắm thường mở kho 2 lần/năm để nhập cá cơm nguyên liệu muối chượp. Trong đó, mùa cá Nam là thời điểm chính để các cơ sở có quy mô sản xuất lớn thu mua và mùa cá những tháng gió bấc là lúc nhà lều quy mô nhỏ hơn bắt đầu muối cá. "Đang vào chính vụ Nam nhưng cá ít như vầy thì rất khó đủ nguyên liệu muối nước mắm. Trong khi lượng cá phải bị chia sẻ nhiều cho các cơ sở sản xuất cá khô" - ông Hiến nêu thực tế.
Có một điều nghịch lý đang diễn ra là trong khi sản lượng cá cơm giảm nhưng giá thu mua lại không tăng, thậm chí một số thời điểm còn thấp hơn mọi năm. Tại bãi sau Mũi Né cũng như một số cảng cá ở TP Phan Thiết, giá thu mua cá cơm loại 25 kg/giỏ chỉ từ 200.000 - 230.0000 đồng/giỏ. Riêng cá cơm để muối nước mắm, giá chỉ khoảng 150.000 đồng/giỏ. Theo các cơ sở sản xuất cá cơm hấp - sấy khô, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiêu thụ, kể cả xuất khẩu. "Nhà tôi có 4 chiếc tàu hành nghề pha xúc, tôi vừa đánh bắt vừa trực tiếp chế biến cá cơm xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nhiều nước tiêu thụ rất chậm, kể cả thị trường truyền thống là Trung Quốc hay các thị trường mới khai thác như Malaysia, Hàn Quốc… Hơn 2 tháng qua, họ rất kén hàng nên các thương lái bị trả hàng lại khá nhiều" - bà Nguyễn Thị Lan, một chủ cơ sở sản xuất cá cơm khô, cho biết.